....

5 Bước Để Xây Dựng Website Luật Sư

Trong thế giới mạng internet bùng nổ, luật sư cần có một kênh trên không gian mạng để truyền tải thông tin về hồ sơ chuyên môn, dịch vụ pháp lý và phương thức cung cấp dịch vụ pháp lý mà mình có thể đáp ứng cho khách hàng. Không thể phủ nhận vai trò kết nối của các mạng xã hội như facebook, zalo, twister… đã giúp rất nhiều luật sư đến gần với công chúng và khách hàng. Tuy nhiên, nhìn chung các mạng xã hội đều có một số hạn chế như là thông tin của bạn rất nhanh chóng bị “trôi” theo dòng thời gian; không gian để cung cấp thông tin bị tản mạn, cắt khúc; khách hàng bị chi phối bởi nhiều luồng thông tin trên mạng xã hội…

Do vậy, bên cạnh việc sử dụng mạng xã hội, luật sư cũng cần có thêm một website để cung cấp thông tin đến khách hàng. Một website thường sẽ có nhiều ưu điểm hơn một tài khoản mạng xã hội bởi vì: website cho phép bạn dễ dàng sắp xếp các phần mục theo logic riêng của bạn; website cho phép bạn có không gian riêng để truyền tải tất cả các thông tin từ video, hình ảnh, bài viết đến các quảng cáo của riêng bạn; website cho phép bạn chủ động quản lý dữ liệu; website hiện đại cho phép bạn giao tiếp, tương tác với khách hàng nhanh chóng…

Rất nhiều luật sư nhận ra những điều nói trên tuy nhiên không phải ai cũng sẵn sàng thiết lập website riêng bởi các lý do sau: website riêng tốn chi phí (mua tên miền, thuê hosting, thuê thiết kế…); không có kỹ thuật tin học để quản trị website, hay không có đủ kỹ năng để viết nội dung hay, thu hút…

Bài viết này sẽ chia sẻ kinh nghiệm thực tế để giúp các luật sư đồng nghiệp trong việc triển khai xây dựng website riêng cho mình ít tốn kém chi phí và dễ dàng xây dựng nội dung.

Bước 1: Xác định mục đích xây dựng website luật sư của bạn

Tùy theo nhu cầu cá nhân của từng luật sư mà định hướng về nội dung của website luật sư sẽ khác nhau. Nhìn chung một website luật sư thường hướng đến các mục đích sau:

  • mục đích chia sẻ: luật sư muốn có một cổng thông tin để chia sẻ những bài viết, tài liệu về nghề luật; chia sẻ tin tức pháp lý;
  • mục đích xây dựng cộng đồng, diễn đàn:
  • mục đích marketing:
  • mục đích bán dịch vụ pháp lý:
  • tổng hợp một số mục đích trên.

Để dễ dàng viết nội dung cho website và tiết kiệm thời gian, bạn nên xác định ngay từ đầu mục đích xây dựng website của mình.

Bước 2: Chuẩn bị các nội dung ban đầu cần đăng trên website luật sư của bạn

Dù bạn chọn mục đích của website của mình là gì thì những nội dung ban đầu sau đây bạn cũng nên chuẩn bị ngay từ bây giờ (i) Hồ sơ chuyên môn: bạn là ai, bạn đã có kinh nghiệm nghề nghiệp bao nhiêu năm; mảng pháp luật chuyên sâu; quá trình học tập; một số nét chính như sở thích, đam mê, kỹ năng mềm được đào tạo…(ii) Quan điểm trong công việc: sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi; (iii) các chia sẻ chuyên môn: bài viết học thuật, bài viết blog;…(iv) kênh thông tin liên hệ với bạn: địa chỉ liên lạc, email, số điện thoại, ….

Thông thường rất nhiều luật sư ngại ngùng chia sẻ các thông tin này bởi vì một số cho rằng làm như vậy là làm hàng, “nổ”, khoe khoang tuy nhiên theo quan điểm cá nhân mình thì nếu bạn coi dịch vụ luật sư cũng là một loại dịch vụ thông thường thì việc cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa dịch vụ cho khách hàng là nghĩa vụ mà luật sư nên làm. Một số khác thì cho rằng các thông tin riêng tử không thể tiết lộ cho cộng đồng, điều này là đúng nếu bạn chia sẻ các thông tin hoàn toàn riêng tư ví dụ: thông tin gia đình, tình trạng hôn nhân, các mối quan hệ xã hội…

Tóm lại, nếu bạn chấp nhận thiết lập website để tương tác với cộng đồng, khách hàng thì bạn nên chia sẻ nhiều nhất về bản thân có thể để việc giao tiếp được dễ dàng, thân thiện hơn.

Bước 3: Thiết lập các cài đặt cơ bản để chạy website

 Để có một website chạy được trên mạng internet, bạn cần thuê mua các dịch vụ sau:

Thứ nhất, mua tên miền (domain): Bạn có thể dễ dàng mua tên miền từ các nhà cung cấp tên miền tại Việt Nam hoặc quốc tế. Tên miền có hai loại, tên miền quốc tế như (.com); (.net); (.org)… và tên miền Việt nam như (.vn); (.com.vn). Chi phí mua tên miền trung bình đối với các tên miền quốc tế khoảng 300 nghìn đồng/năm và đối với tên miền Việt Nam trung bình là 700 nghìn/năm. Bạn có thể lựa chọn các nhà cung cấp tên miền được cấp phép tại Việt Nam qua link này: https://vnnic.vn/nhadangky/h%E1%BB%87-th%E1%BB%91ng-nh%C3%A0-%C4%91%C4%83ng-k%C3%BD

Thứ hai, bạn cần thuê máy chủ (hosting) để lưu trữ dữ liệu và kết nối với thế giới bên ngoài. Tùy theo nhu cầu và độ lớn dữ liệu cũng như dự kiến lượt truy cập để lựa chọn gói dịch vụ cho phù hợp. Lời khuyên cho bạn là ban đầu nên mua gói dịch vụ hosting thấp nhất, bởi vì trong thời gian khoảng 6 tháng đến 1 năm đầu tiên bạn chưa có nhiều dữ liệu cũng như lượng truy cấp đang thấp. Sau đó từ năm thứ 2 tùy theo tình hình phát triển website bạn có thể yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ để nâng cấp lên các gọi dịch vụ cao hơn. Chi phí thuê hosting trên thị trường hiện này trung bình khoảng 600 nghìn/năm.

Thứ ba, phần thiết kế website, nếu ví domain như địa chỉ nhà bạn, hosting đường internet, đường điện có thêm kho chứa thì phần thiết kế website sẽ là hình hải ngôi nhà của bạn. Ngôi nhà của bạn có mấy phòng, mấy tầng, sân vườn, cảnh quan đẹp, xấu thế nào đều phụ thuộc vào phần thiết kế website này. Vậy một luật sư như bạn làm sao để thiết kế 1 website đây? Đến đây thì có 2 cách cho bạn: cách 1 bạn tham gia các khóa học thiết kế website- cách này rất tốn thời gian nhưng bạn được chuyển giao công nghệ và cách 2 bạn thuê chuyên gia thiết kế website để giúp bạn làm.

Đối với cách 1: bạn có thể tham gia một số khóa học thiết kế website online được giao bán trên mạng. Để thiết kế ra website bạn đang đọc đây mình đã học thiết kế website online trên website này http://hoconline.thietkewebsieutoc.net/. Chi phí học online không tốn kém là bao so với kết quả bạn đạt được. Thường thì khoảng 200-400 nghìn/khóa học.

Đối với cách 2: bạn có thể tìm kiếm trên mạng hoặc bạn hàng ngày vẫn được nhiều công ty thiết kế website chào mời bạn mua dịch vụ. Chi phí thiết kế website này thì dao động từ 5-15 triệu đồng để có một website tương đối tốt tùy vào mong muốn của bạn.

Bước 4: Phát triển các tính năng bổ sung

Tính chất của nghề luật sư là cần tương tác với khách hàng và chăm sóc khách hàng một cách thường xuyên để đảm bảo quan hệ luật sư-khách hàng càng ngày càng thân thiết. Vì vậy website của luật sư cũng cần phải có các tính năng hỗ trợ việc này ví dụ như tính năng: gọi điện cho luật sư trên website, chat với luật sư thông qua website, theo dõi nhu cầu dịch vụ của khách hàng thông qua website, tiếp nhận thông tin khách hàng thông qua website, thu thấp email, số điện thoại khách hàng tiềm năng, tự động gửi bản tin pháp lý, thông báo tin tức pháp lý hàng tháng, vvv.

Để tận dụng các ưu thế của website luật sư bạn cũng cần bổ sung đầy đủ các tính năng này cho website luật sư của bạn.

Bước 5: Đăng bài viết và quản trị website

Trước khi viết bài viết này mình cũng hoang mang và không tự tin liệu rằng một người chỉ có các kiến thức về pháp lý có đủ khả năng quản trị website của mình không. Câu trả lời của mình đã có sau 30 phút làm quen và được hướng dẫn từ kỹ sư tin học Đặng Ngọc Bình qua các bài giảng và website của anh ý. Thật không thể tin được, công nghệ website trên nền tảng wordpress lại dễ dàng đến vậy. Nếu bạn không tự tin với vốn tiếng Anh của bạn thì cũng đừng vội lo lắng mà từ bỏ bởi vì các ngôn ngữ website trên wordpress có định dạng tiếng Việt để bạn sử dụng.

Chúc các luật sư đồng nghiệp thành công!

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button