Nhãn hiệu là một trong những tài sản sở hữu trí tuệ (“SHTT”) có vai trò đặc biệt quan trọng giúp cho các doanh nghiệp tạo ra giá trị, lợi ích kinh tế bền vững cho họ. Tuy vậy, việc bảo vệ nhãn hiệu của các doanh nghiệp, đôi khi chưa thực sự tương xứng với tầm quan trọng của loại tài sản trí tuệ này. Có một thực trạng là các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, chỉ nhận ra vai trò đặc biệt quan trọng của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và đăng ký quốc tế nhãn hiệu nói riêng, khi mà cơ hội bảo hộ nhãn hiệu của họ giống như ở “sân nhà” lại bị chiếm mất tại các thị trường nhập khẩu, hoặc thậm chí phải đối mặt với “hàng nhái” sản phẩm của mình tại các thị trường này.
Những nhãn hiệu Việt Nam từng bị đánh mất trên đường ra trường quốc tế…
Đối với người tiêu dùng trong nước, các nhãn hiệu hàng hóa “Vinataba” của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam cho sản phẩm thuốc lá, “PetroVietnam” của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam với hình ngọn lửa hay nhãn hiệu “Trung Nguyên” đối với các sản phẩm từ cà phê của Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên từ lâu đã tạo được vị thế vững mạnh nhờ vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ và uy tín của nhà sản xuất. Tại Việt Nam, những nhãn hiệu này cũng đã được xác lập quyền sở hữu trí tuệ và được bảo hộ độc quyền. Tuy nhiên, những rắc rối trong việc khuếch trương vị thế của nhãn hiệu của các doanh nghiệp này ra thị trường quốc tế bắt đầu nảy sinh ngay từ những bước đi đầu tiên thâm nhập vào các thị trường khác, khi mà họ đã bị cản bước bởi chính nhãn hiệu của họ, nhưng đã bị người khác bảo hộ trước tại các thị trường nhập khẩu.
Năm 2002, nhãn hiệu Vinataba – nhãn hiệu thuốc lá hàng đầu của Việt Nam đã bị P.T. Putra Stabat Industri (một công ty được thành lập và hoạt động tại Indonesia) chiếm đoạt quyền và đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước trong khu vực Asean. Tháng 4/2002, nhãn hiệu “PetroVietnam” nhãn hiệu quen thuộc và rất nổi tiếng với biểu tượng ngọn lửa của ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam đã bị một công ty tên là Nguyen Lai Corporation có trụ sở tại Hoa Kỳ đã nộp đơn xin bảo hộ độc quyền đối với nhãn hiệu tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO). Tương tự, “Trung Nguyên” – nhãn hiệu được đánh giá là nổi bật và phát triển của cà phê Việt Nam cũng từng gặp rất nhiều khó khăn khi xuất khẩu các sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ bởi từ tháng 7/2000, nhãn hiệu “Trung Nguyên Coffee” đã bị một công ty của Mỹ có tên là Rice Field “nhanh chân” đăng ký trước tại Mỹ .
…và hành trình gian nan của doanh nghiệp để đòi lại sự công bằng cho mình
Để giành và giữ quyền với nhãn hiệu của chính mình, đặc biệt là ở các quốc gia khác, với những rào cản về ngôn ngữ, khuôn khổ pháp lý khác biệt về cả nội dung cũng như hình thức, thì những doanh nghiệp nói trên đều đã phải trải qua một hành trình không hề đơn giản với chi phí không hề nhỏ. Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam đã phải nỗ lực rất
nhiều để chứng minh quyền của mình, thuyết phục cơ quan Sở hữu trí tuệ của các nước và đầu tư số tiền không hề nhỏ (khoảng hơn một tỷ đồng vào thời điểm năm 2002)[1]. Với trường hợp của cà phê “Trung Nguyên”, sau hai năm nỗ lực đàm phán, thương thảo thì Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên cũng giành lại được quyền đối với nhãn hiệu này tại Mỹ và Rice Field trở thành đại lý phân phối các sản phẩm cà phê của Trung Nguyên tại thị trường này. Tuy không được công bố chính thức, nhưng chi phí mà công ty này đã phải bỏ ra ước đoán cũng khoảng vài trăm nghìn đô-la Mỹ, một cái giá rõ ràng không hề nhỏ và chắc chắn không phải doanh nghiệp, cá nhân nào cũng có thể chi trả được.
Nhầm tưởng rằng quyền SHTT đối với nhãn hiệu tự động xác lập trong phạm vi toàn cầu
Không ít doanh nghiệp thường tự nhận định rằng nhãn hiệu của họ đã được đăng ký và bảo vệ tại Việt Nam, được coi là một tài sản hợp pháp, do vậy, sở hữu quyền với nhãn hiệu sẽ đương nhiên phát sinh và bất khả xâm phạm ở các nước khác. Tuy nhiên, đây lại là sự ngộ nhận và suy luận không chính xác. Quyền SHTT có tính lãnh thổ và các Cơ quan SHTT chỉ cấp văn bằng bảo hộ theo pháp luật của quốc gia (hoặc pháp luật vùng) có liên quan. Do vậy, việc một doanh nghiệp ở Việt Nam đã nộp đơn đăng ký hoặc đã được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ không có nghĩa là nhãn hiệu của họ sẽ được tự động hay mặc nhiên bảo hộ tại các quốc gia khác trên thế giới. Sự chủ quan là một nguyên nhân quan trọng khiến doanh nghiệp có chiến lược bảo hộ quyền SHTT đối với nhãn hiệu của mình ở trên trường quốc tế chưa phù hợp, để khắc phục, doanh nghiệp lại phải ngậm ngùi bỏ tiền túi và trong một số trường hợp, doanh nghiệp thậm chí không còn có bất kỳ giải pháp nào.
Đâu là con đường để doanh nghiệp lựa chọn để xác lập quyền và bảo hộ nhãn hiệu trên phạm vi quốc tế?
Không thể phủ nhận rằng việc bảo hộ nhãn hiệu ở các thị trường (quốc gia) nhập khẩu sẽ đặt doanh nghiệp cũng như giúp doanh nghiệp tạo được thế cân bằng khi đàm phán hay cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh cùng loại sản phẩm, dịch vụ tại các nước sở tại, hạn chế nguy cơ tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu. Tùy thuộc vào đâu là thị trường/quốc gia nhập khẩu và vị thế của quốc gia này trong các Điều ước quốc tế về SHTT, doanh nghiệp có thể chọn cho mình cách thức đăng ký nhãn hiệu của mình. Dưới đây là một số cách thức đăng ký quốc tế nhãn hiệu mà doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc lựa chọn để bảo hộ tài sản trí tuệ của mình.
Đăng ký qua Hệ thống Madrid dưới sự quản lý của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): Hệ thống Madrid về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa quốc tế (“Hệ thống Madrid”) được hình thành từ năm 1891, dưới sự điều chỉnh của Thỏa ước Madrid (1891) (“Thỏa ước”) và Nghị định thư Madrid (1989) (“Nghị định thư”). Hệ thống này cho phép người nộp đơn đồng thời đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nhiều quốc gia thông qua một Đơn xin đăng ký duy nhất, được nộp tại một Cơ quan duy nhất – Văn phòng quốc tế của WIPO. Việt Nam đã trở thành thành viên của Hệ thống Madrid bằng việc gia nhập Thỏa ước vào năm 1949 và Nghị định thư vào năm 2006. Việc đăng kí quốc tế đối với nhãn hiệu theo hệ thống Madrid tại Việt Nam hiện nay được quy định cụ thể trong Nghị định 103/2006/NĐ-CP ban hành ngày 22/09/2006 và Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ban hành ngày 14/02/2007. Theo đó, quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu theo Thỏa ước phát sinh sau khi doanh nghiệp được Cục SHTT Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trong khi nếu thủ tục theo Nghị định thư được chọn, doanh nghiệp có thể tiến hành ngay sau khi nộp Đơn xin đăng ký tại Cục SHTT mà không phải chờ cơ quan này cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu tại Việt Nam.
Quy trình nhận và xử lý Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu (“Đơn”) có thể tóm lược gồm các bước cơ bản như sau:
- Nộp Đơn tại Cục SHTT Việt Nam: Sau khi nhận Đơn, Cục SHTT có trách nhiệm chuyển toàn bộ Đơn và tài liệu kèm theo cho Văn phòng quốc tế của WIPO.
- WIPO thẩm định hình thức Đơn: Sau khi nhận Đơn, WIPO sẽ tiến hành kiểm tra và thẩm định hình thức. Nếu Đơn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về hình thức và chủ đơn đã nộp đầy đủ các chi phí, WIPO sẽ tiến hành công bố Đơn trên Công báo SHTT của WIPO đồng thời chuyển Đơn tới các cơ quan SHTT của các quốc gia, vùng lãnh thổ được chỉ định (“Quốc gia được chỉ định“) để tiếp tục thẩm định nội dung.
- WIPO chuyển Đơn cho Quốc gia được chỉ định thẩm định nội dung: Việc thẩm định nội dung Đơn sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật SHTT Quốc gia được chỉ định. Cơ quan SHTT Quốc gia được chỉ định sẽ có một thời hạn nhất định để xem xét, thẩm định nội dung Đơn để phản hồi, quyết định chấp thuận hay từ chối bảo hộ hoặc đưa ra các khuyến nghị, hướng dẫn, yêu cầu khác với chủ đơn. Thời hạn xem xét, trả lời được áp dụng là mười hai tháng (12)[2] kể từ ngày Cơ quan SHTT nhận được Đơn nếu đăng ký theo Thỏa ước, và mười tám tháng (18)[3] kể từ ngày Cơ quan SHTT nhận được Đơn nếu đăng ký theo Nghị định thư. Nếu thời hạn nói trên kết thúc mà Cơ quan SHTT của Quốc gia được chỉ định không có bất cứ phản hồi hoặc quyết định nào với Đơn, nhãn hiệu sẽ mặc nhiên được bảo hộ tại quốc gia đó.
Theo thống kê, hiện Hệ thống Madrid có 98 thành viên chính thức trong đó bao gồm 114 quốc gia, vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 80% tỷ trọng kinh tế thế giới[4]. Tính đến nay, Hệ thống Madrid được coi là hệ thống quốc tế về đăng ký nhãn hiệu có độ phủ và tần suất được sử dụng lớn và nhiều nhất trên thế giới, mang lại nhiều tiện ích và góp phần đơn giản hóa thủ tục đăng ký cho doanh nghiệp.
Đăng ký qua hệ thống Sở hữu trí tuệ của khu vực: Sự hình thành và phát triển của các khu vực mậu dịch tự do, các cộng đồng kinh tế hoặc các cộng đồng chung cũng góp phần hình thành nên các hệ thống về đăng ký nhãn hiệu của mỗi khu vực, cộng đồng. Hiện nay, Liên minh Châu Âu – European Union (“EU“) cũng có hệ thống Nhãn hiệu Cộng đồng chung – Community Trade Mark (“Hệ thống CTM“), để phục vụ cho thủ tục xác lập quyền đối với nhãn hiệu tại tất cả hai mươi bảy (27) quốc gia thuộc EU. Quyền nộp đơn theo Hệ thống CTM được trao chocác doanh nghiệp hay cá nhân có quốc tịch (hoặc công dân) thuộc các nước thành viên Cộng đồng Châu Âu hoặc thuộc các nước thành viên Công ước Paris năm 1883 về Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hoặc Hiệp định TRIPs năm 1994 về Các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT. Việt Nam hiện nay đã là thành viên của cả hai Điều ước quốc tế này, do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cân nhắc sử dụng Hệ thống CTM để xin xác lập quyền với nhãn hiệu của mình tại hai mươi bảy (27) quốc gia thành viên EU.
Quy trình nhận và xử lý Đơn theo Hệ thống CTM có thể tóm lược gồm các bước cơ bản như sau:
- Nộp Đơn tới Cơ quan đăng ký có tên là “The Office for Harmonization in the Internal Market” (“OHIM“) có trụ sở đóng tại Tây Ban Nha. Tương tự như khi đăng ký theo Hệ thống Madrid, doanh nghiệp khi nộp đơn theo Hệ thống CTM chỉ cần chuẩn bị duy nhất một (01) đơn đăng ký để chỉ định tất cả hai mươi bảy (27) quốc gia EU.
- OHIM tiến hành thẩm định hình thức và nội dung Đơn theo quy định của EU. Sau khi được đăng ký tại OHIM, nhãn hiệu sẽ có hiệu lực ở tất cả các nước thành viên EU, ngược lại, nếu nhãn hiệu bị huỷ bỏ hay mất hiệu lực ở một nước thành viên thì đương nhiên bị mất hiệu lực trong cả cộng đồng EU.
Ngoài Hệ thống CTM, hiện nay, doanh nghiệp cũng như các chủ đơn khác có thể lựa chọn một số hệ thống đăng ký khác khi chỉ định các quốc gia nói tiếng Anh ở châu Phi như Hệ thống ARIPO [5] hoặc để chỉ định các quốc gia nói tiếng Pháp ở châu Phi, doanh nghiệp có thể lựa chon đăng ký qua hệ thống OAPI[6].
Đăng ký trực tiếp tại quốc gia: Bên cạnh hai cách thức đăng ký quốc tế mang tính khu vực và ở phạm vi rộng hơn như đã nêu, doanh nghiệp có thể lựa chọn cách đăng ký quốc tế nhãn hiệu trực tiếp tại từng quốc gia theo hình thức, thủ tục được quy định cụ thể tại quốc gia đó. Lý do để doanh nghiệp lựa chọn hình thức đăng ký này có thể là quốc gia, vùng lãnh thổ mà doanh nghiệp muốn đăng ký nhãn hiệu không phải là thành viên của Hệ thống Madrid hoặc hệ thống đăng ký nhãn hiệu khác (ví dụ như: Thái Lan, Lào), hoặc do chi phí đăng ký quốc tế tăng cao khi số lượng các nước mà doanh nghiệp dự kiến chỉ định bảo hộ không nhiều. Tuy nhiên, ưu thế về chi phí rẻ như vậy không sẽ không còn trong nhiều trường hợp khi mà doanh nghiệp lựa chon hình thức đăng ký trực tiếp. Thủ tục và chuẩn mực bảo hộ nhãn hiệu có sự khác biệt đáng kể giữa các nước, nên nguy cơ phát sinh nhưng vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp không thể lường trước thường rất cao. Đấy là chưa kể đến những phức tạp phát sinh từ bất đồng ngôn ngữ và các yêu cầu sử dụng dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ ở nước sở tại (ví dụ như dịch vụ của Luật sư).
Lời khuyên cho doanh nghiệp
Trong xu thế hội nhập hiện nay, có rất nhiều cách thức để doanh nghiệp cân nhắc sử dụng cho chiến lược bảo hộ nhãn hiệu của mình ra trường quốc tế. Khi phải lựa chọn, hẳn nhiên doanh nghiệp cần có trong tay các thông tin và mức độ am tường cần thiết. Dưới đây là một vài lời khuyên để doanh nghiệp cân nhắc và ra quyết định:
- Doanh nghiệp chỉ nên lựa chọn đăng ký nhãn hiệu ở nơi doanh nghiệp xem đó là thị trường nhập khẩu trong trung và dài hạn – chọn nơi bảo hộ là những nước đã là thị trường nhập khẩu của doanh nghiệp hẳn nhiên là cần phải tiến hành càng sớm càng tốt, nhất là khi nhãn hiệu dự kiến đăng ký đã được sử dụng ở đây.
- Doanh nghiệp nên tìm hiểu và dự kiến ngân sách cho chiến lược đăng ký nhãn hiệu ở các nước nhập khẩu được chọn, và tốt nhất ngân sách này nên được xây dựng căn cứ vào tính toán mang tính so sánh của hai hoặc nhiều hơn phương án đăng ký bản hộ nhãn hiệu.
Doanh nghiệp nên tìm kiếm ý kiến tư vấn của các Luật sư về thủ tục, trình tự và những vấn đề pháp lý cần lưu tâm ở các nước nhập khẩu được chọn. Doanh nghiệp không nên e ngại về việc bị phát sinh chi phí cho Luật sư ở giai đoạn này bởi lẽ nếu bỏ qua nó, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ chịu chi phí cao hơn nhiều lần khi triển khai chiển lược của mình ở giai đoạn sau. Chẳng hạn, nếu không tham khảo ý kiến luật sư ở giai đoạn này, doanh nghiệp sẽ không thể biết và sự chuẩn bị trước cho những yêu cầu mà buộc doanh nghiệp phải đáp ứng ngay trong quá trình nộp đơn (hoặc xác lập quyền), khiến cho việc tiếp tục theo đuổi đơn thêm phần khó khăn và tốn kém. Cách làm đơn giản nhất là doanh nghiệp nên tham vấn luật sư chuyên về SHTT. Trên hết, mỗi doanh nghiệp, bên cạnh chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, xây dựng và quảng bá thương hiệu của mình cần có sự đầu tư hơn nữa để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình trên phương diện pháp lý, đừng để “mất bò, mới lo làm chuồng“!
Luật sư Nguyễn Đức Hiếu- Trợ lý Đỗ Thùy Linh
Công ty Luật TNHH Phuoc & Partners
[1] http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/viet-nam-da-danh-mat-nhung-thuong-hieu-nao-43766.html
[2] Điểm (5), Điều 5 Thỏa ước Madrid
[3] Điểm 2.(b), Điều 5 Nghị định thư Madrid
[4] http://www.wipo.int/madrid/en/members/
[5] http://www.inta.org/TrademarkBasics/FactSheets/Pages/InternationalTrademarkRightsFactSheet.aspx
[6] http://www.inta.org/TrademarkBasics/FactSheets/Pages/InternationalTrademarkRightsFactSheet.aspx