Ngày 25/07/2016 vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin việc Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh gửi đến Sở Tư pháp, Sở Xây dựng và hàng loạt quận huyện danh sách 77 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng. Đây là lần đầu tiên một đơn vị của thành phố công khai các dự án dạng này để người dân nắm rõ, tránh bị lừa khi mua nhà mà không có thông tin về tài chính của dự án. Sau khi thông tin được đăng tải, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HOREA) phản ánh việc công bố thông tin này đã có tác động tức thì đến thị trường bất động sản, thị trường địa ốc đối mặt với hàng loạt khó khăn. Thậm chí có doanh nghiệp còn kêu oan vì đã thực hiện thủ tục giải chấp, hoặc có dự án chỉ thế chấp vài block trong toàn bộ dự án. Có vị lãnh đạo còn nhận định “Đối với ngành bất động sản, dự án nào được thế chấp và được vay tức là xếp loại khá, tốt, tiềm năng trở lên” và mong muốn “Một khi đã công bố rộng rãi, chúng tôi mong đợi chất lượng thông tin chính xác, toàn diện, phân loại cụ thể, tránh gây hiểu nhầm và đánh đồng hoạt động thế chấp dự án tại ngân hàng với hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật”.
Vậy doanh nghiệp cần tự minh bạch thông tin hay để cơ quan nhà nước công bố và kêu oan? Trước tiên để trả lời câu hỏi này, cần nhìn vấn đề công khai thông tin này là nghĩa vụ của ai.
Nghĩa vụ báo cáo hay nghĩa vụ công khai minh bạch thông tin
Theo Luật doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp phải công khai thông tin về thành lập và hoạt động, đồng thời phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác trong các hồ sơ kê khai và báo cáo (Điều 8 và Điều 33). Ngoài ra, đối với doanh nghiệp nhà nước có nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ (Điều 108), công bố thông tin bất thường (Điều 109). Còn đối với hình thức công ty cổ phần, luôn phải công khai thông tin (Điều 171). Nhìn chung các thông tin cần phải công bố công khai chủ yếu về thông tin cơ bản về doanh nghiệp như tên doanh nghiệp, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật, ngành nghề kinh doanh, danh sách chủ sở hữu, bộ máy quản lý công ty, báo cáo tài chính, ….vv Hình thức công bố thông tin chủ yếu là trên trang thông tin điệu tử của doanh nghiệp, trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trên cổng thông tin của Sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban chứng khoán nhà nước.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh hàng ngày, doanh nghiệp phải thực hiện hàng tá báo cáo theo từng chuyên ngành quản lý của cơ quan nhà nước như báo cáo về lao động cho Sở Lao động thương binh xã hội, cho cơ quan bảo hiểm xã hội, báo cáo về đầu tư đối với doanh nghiệp hoạt động theo luật đầu tư, báo cáo tài chính, báo cáo thuế đối với cơ quan quản lý thuế nhà nước…vv
Ngoài ra, tùy từng lĩnh vực ngành nghề hoạt động kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp, các nghĩa vụ báo cáo các số liệu hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành này cũng được yêu cầu như là báo cáo về sử dụng tài nguyên viễn thông, báo cáo chất lượng dịch vụ viễn thông đối với doanh nghiệp viễn thông, báo cáo giám sát môi trường định kỳ,..vv
Như vậy ở đây rõ ràng về mặt pháp lý, doanh nghiệp có nghĩa vụ công khai các thông tin theo luật doanh nghiệp và luật chuyên ngành cụ thể. Việc công khai thông tin được hiểu là cung cấp thông tin đến đại chúng, bất kỳ ai quan tâm đến doanh nghiệp đều có quyền tiếp cận. Điều này cũng đồng nghĩa là doanh nghiệp đã công khai minh bạch thông tin của mình.
Ở phần còn lại, nghĩa vụ báo cáo các số liệu thông tin từ doanh nghiệp cho các cơ quan nhà nước có thể được hiểu là nghĩa vụ thông tin để cơ quan quản lý nhà nước được có thông tin để thực hiện quyền quản lý nhà nước. Tuy nhiên việc cơ quan quản lý nhà nước dựa trên các số liệu được doanh nghiệp báo cáo để tự mình công bố công khai các thông tin này của doanh nghiệp thì luật hiện hành chưa có cơ chế rõ ràng về cách thức thực hiện, thời điểm thực hiện và phạm vi thông tin được công khai. Do vậy mới có câu chuyện doanh nghiệp phản ứng trước hành động công khai thông tin của cơ quan nhà nước nhà nước nói trên.
Chủ động minh bạch thông tin để tự bảo vệ mình
Từ câu chuyện nêu trên có thể thấy rằng dù việc công bố công khai thông tin của cơ quan nhà nước có phù hợp với quy định pháp luật hay không thì phần bất lợi vẫn thuộc về doanh nghiệp. Bởi lẽ, việc công bố công khai thông tin về doanh nghiệp của cơ quan nhà nước thường có độ trễ về mặt thời gian so với tình hình thực tế của doanh nghiệp, phần nữa các thông tin số liệu mà cơ quan nhà nước công khai thường không được thuyết minh đầy đủ dẫn đến người tiếp nhận thông tin có thể hiểu theo nhiều hướng khác nhau bao gồm hiểu theo hướng tiêu cực.
Như vậy, dù doanh nghiệp có muốn giữ phần thông tin nào đó cho riêng mình nhưng với cơ chế pháp luật hiện hành liên quan đến nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp thì điều này không hề dễ dàng, đôi khi còn lợi bất cập hại. Do đó, việc xây dựng một hệ thống công bố công khai thông tin của doanh nghiệp là một việc làm hết sức cần thiết mà mỗi doanh nghiệp nên sớm thực hiện. Với sự phát triển của internet hiện nay, việc này không quá khó khăn, mỗi doanh nghiệp chỉ cần xây dựng một trang thông tin điện tử của riêng mình để đăng tải thông tin lên đó, ngoài ra cũng có thể tiếp nhận các yêu cầu thông tin từ những người thông tin để giúp họ hiểu hơn về tình hình doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp làm tốt công tác công bố công khai thông tin, doanh nghiệp sẽ chủ động việc cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tình hình kinh doanh của mình, đồng thời doanh nghiệp cũng kiểm soát được thông tin và định hướng được dư luận và đảm bảo việc tuân thủ được pháp luật. Ngược lại, việc không công khai minh bạch thông tin có thể khiến doanh nghiệp gặp các trở ngại như tình huống nêu trên, hoặc việc để thông tin bất lợi xuất hiện trước khi chính doanh nghiệp công bố thông tin có thể làm cho doanh nghiệp tốn kém chi phí để cải chính cũng như thực hiện chiến dịch truyền thông nhằm lấy lại hình ảnh của mình. Có thể tóm lại vấn đề công khai minh bạch thông tin doanh nghiệp nên “tiên hạ thủ vi cường”, hãy là người đầu tiên định hướng dư luận bằng việc minh bạch thông tin.
Luật sư Lê Trọng Thêm & Luật sư Nguyễn Kim Như