....

Công Ty Luật, Văn Phòng Luật Sư Việt Nam – Sáp Nhập Để Tồn Tại, Tại Sao Không

Từ giữa năm 2005 và hai năm tiếp theo 2006 và 2007, có thể nói đây là thời kỳ đại lợi, kiết tường cho ngành dịch vụ pháp lý nói chung và các công ty luật trách nhiệm hữu hạn, văn phòng luật sư Việt Nam (“Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam”) nói riêng. Trong thời kỳ này, lượng vốn đầu tư nước ngòai đổ vào Việt Nam tăng chưa từng có cộng với mức tăng trưởng kinh tế ngọan mục của Việt Nam trên 8% hàng năm, đồng thời với việc nhà nước tiếp tục cho dịch vụ tư vấn pháp luật được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạo điều kiện vàng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ tư vấn pháp lý.

Trong thời kỳ này có khá nhiều các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam được thành lập mới. Đa số họ do một số luật sư Việt Nam đang làm việc trong các chi nhánh của các hãng luật nước ngòai ở Việt Nam hay những luật sư Việt Nam đang làm thuê trong các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam có tiếng trong nước nghỉ việc ra làm riêng. Nói chung, đa số họ đều ăn nên, làm ra trong thời kỳ này vì lượng cầu dịch vụ pháp lý thì quá cao trong khi lượng cung dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp thì quá ít. Các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam và chi nhánh các văn phòng luật nước ngòai hiện có đã không có đủ khả năng để đáp ứng các yêu cầu liên tục của khách hàng dù đã cố gắng tăng thời gian làm việc của luật sư và tuyển thêm luật sư. Trong thời kỳ này, các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam đua nhau thuê văn phòng mới rộng rãi, khang trang, chuyên nghiệp hơn và tọa lạc ở những nơi sang trọng hơn, tuyển dụng thêm luật sư, chuyên viên tư vấn pháp lý và đội ngũ hậu cần có kinh nghiệm để phát triển. Đơn cử, có một số Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam đã dám thuê gần 400m2 văn phòng trong các cao ốc hạng A ở Hà Nội và Sài Gòn cùng với việc thuê mướn đội ngũ luật sư và nhân viên đến gần cả 100 người. Trong thời kỳ này, khuynh hướng chia, tách nói chung vẫn vượt trội hơn khuynh hướng hợp nhất, sáp nhập do ai cũng thấy cơ hội lớn, muốn đứng ra kinh doanh, tự chủ.

sap-nhap-cong-ty-luat

Tuy nhiên, từ cuối năm 2007 một số khó khăn đã bắt đầu xuất hiện gây khó khăn rất lớn cho các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam. Thứ nhất, khi kinh tế tòan cầu khó khăn, khách hàng trong và ngòai nước cũng bắt đầu đóng hầu bao đối với các nhà cung cấp và các nhà cung cấp dịch vụ pháp lý cũng không nằm ngòai quỹ đạo chung đó. Phí dịch vụ pháp lý buộc phải giảm đáng kể để tăng tính cạnh tranh, khách hàng có khuynh hướng trả phí trên kết quả vụ việc nhiều hơn là trả theo giờ như thông lệ chung trong ngành luật, cũng như lượng khách hàng giảm sút nghiêm trọng đã làm cho hòan cảnh của các Công ty Luật Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, chi phí thuê văn phòng đã tăng phi mã, từ chỗ mỗi mét vuông thuê văn phòng hạng A chỉ khỏang 25USD và văn phòng hạng B khỏang 17USD thì nay đã phải trả gần gấp ba lần như vậy mới có một vị trí tương tự mà còn bị các chủ tòa nhà yêu cầu đóng tiền thế chân thật cao (6 tháng tiền thuê), trả tiền thuê trả trước dài (6 -12 tháng), ký hợp đồng thuê dài hạn (từ 3 – 5 năm) và mức tăng tiền thuê văn phòng cao khi đáo hạn hợp đồng thuê. Thứ ba, mức lạm phát tăng cao từ đầu năm 2008 cũng đã làm cho các chi phí của các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam (đa số là cố định) tăng không kìm được, ví dụ như chi phí văn phòng phẩm, chi phí đi lại, điện thọai liên lạc, chi phí giao tiếp và quan trọng nhất là chi phí tiền lương trả cho luật sư và nhân viên.

sap-nhap-cong-ty-luat-2

Thông thường, mỗi khi chi phí tăng thì doanh nghiệp lại có khuynh hướng giảm chi phí và/hoặc tăng doanh thu. Tuy nhiên, hầu hết các chi phí của các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam là chi phí cố định, không thể điều chỉnh giảm được, hay có giảm thì cũng không thể giảm nhanh được ví dụ như tiền thuê văn phòng theo hợp đồng thuê đã ký ít nhất là hai năm rồi, tiền lương của luật sư và nhân viên cũng không thể hạ xuống được vì đã được thỏa thuận trong hợp đồng lao động và nếu giảm được thì luật sư và nhân viên sẽ bỏ việc chạy sang đối thủ cạnh tranh khác làm mất chi phí đào tạo tốn kém. Giảm nhân sự cũng không xong vì để đào tạo một luật sư giỏi phải mất một vài năm, nếu vì khó khăn trước mắt mà cho họ thôi việc thì khi cần thì không biết tìm người ở đâu ra, hay có tìm ra thì chi phí lương quá cao không kham nỗi. Tìm kiếm các khỏan tín dụng phù hợp từ các ngân hàng/tổ chức tín dụng trong nước để duy trì họat động và phát triển gần như không khả thi đối với các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam vì tài sản của các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam không đáng là bao (chỉ tòan là máy vi tính, các thiết bị điện tử văn phòng và xe hơi), nên không có tài sản đáng giá để thế chấp bảo đảm khỏan vay. Còn vay tín chấp của ngân hàng thì thủ tục nhiêu khê cộng với lãi suất và phí dịch vụ cao tạo sự bất lợi cho các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam.

Đầu năm 2009, lại có thêm một vài tin buồn cho những người họat động trong ngành dịch vụ pháp lý nữa. Thứ nhất, theo các cam kết WTO của Việt Nam, ngành dịch vụ pháp lý không còn được hưởng ưu đãi thuế nữa nên Luật Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2009 đã lọai dịch vụ pháp lý ra khỏi danh mục được hưởng ưu đãi đầu tư. Có một chút an ủi là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm còn 25% thay vì mức 28% như trước đây nhưng cũng không thấm vào đâu[1]. Thứ hai, Luật Thuế Thu Nhập Cá Nhân có hiệu lực từ ngày 01/01/2009 cũng quy định là đầu tư vốn của cá nhân luật sư thành viên sẽ phải chịu thuế 5% trên tiền lãi thu được từ cỗ tức, lợi tức sau thuế thu nhập doanh nghiệp của các Công ty Luật Việt Nam[2]. Thứ ba, chi phí đóng bảo hiểm y tế cho luật sư và nhân viên đã tăng từ mức 3% hiện nay (2% cho người sử dụng lao động và 1% cho người lao động) lên mức 6% tiền lương, tiền công tháng kể từ ngày 01/07/2009 (trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3)[3]. Thứ tư, chi phí đóng Bảo hiểm thất nghiệp mới là 2% (1% tiền lương, tiền công tháng cho người lao động và 1% quỹ tiền lương, tiền công cho người sử dụng lao động) có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009[4]. Thứ năm, đến đầu năm 2010, mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ tăng từ mức 20% như hiện nay (5% mức tiền lương, tiền công cho người lao động và 15% quỹ tiền lương, tiền công cho người sử dụng lao động) lên mức 22% (6% mức tiền lương, tiền công cho người lao động và 16% quỹ tiền lương, tiền công cho người sử dụng lao động)[5]. Do đa số các Công ty Luật Việt Nam trả lương net (lương sau thuế) cho nhân viên nên tất cả các khỏan tăng mới này đều do các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam gánh chịu, đây cũng là một gánh nặng tài chính đáng kể, không thể bỏ qua.

Vậy các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam phải làm gì đây để có thể tồn tại trong thời kỳ kinh tế khó khăn này, đặt biệt là theo dự đóan của IMF là tình hình kinh tế tòan cầu trong năm 2009 chưa có gì sáng sủa cả và dự báo của Chính phủ Việt Nam cũng không có gì sáng sủa hơn. Dĩ nhiên, việc giảm chi phí là ưu tiên hàng đầu cho các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam trong tình huống mà khó có khả năng tăng doanh thu từ khách hàng, nhưng như đã nói ở trên, các chi phí của các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam hầu hết là chi phí cố định và không thể giảm nhanh được. Một số các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam may mắn hết hạn hợp đồng thuê văn phòng đã phải nhanh chóng tìm kiếm để dời văn phòng sang các biệt thự rẽ tiền hơn để cắt giảm chi phí dù phải cắn răng bỏ ra một khỏan chi phí không nhỏ để thiết kế lại các biệt thự cho phù hợp với mô típ văn phòng luật sư. Một số khác lại tìm cách giảm bớt các họat động vui chơi giải trí, huấn luyện, đào tạo cho nhân viên, chi phí giao tế, đi lại. Một số khác lại tìm cách đa dạng hóa các lĩnh vực dịch vụ pháp lý cung cấp để tìm kiếm thêm khách hàng nhằm giảm bớt sự giảm sút về doanh thu. Một số khác lại tìm cách tăng chi phí hợp lý, hợp lệ để giảm thu nhập chịu thuế (ví dụ như tăng tỷ lệ khấu hao tài sản theo quy định, giám sát chặt chẽ việc mua các hàng hóa, dịch vụ có hóa đơn, chứng từ hợp pháp rõ ràng). Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp ngắn hạn mà thôi và đa số các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam nói chung là đang gặp rất nhiều khó khăn cần được hỗ trợ.

 Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, tự cứu mình vẫn là phương cách tốt nhất để tồn tại thay vì trông chờ vào sự giúp đỡ của Chính phủ (ví dụ như giãn nộp thuế TNCN và miễn, giảm thuế TNDN năm 2009, hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ). Do đó, đề tài sáp nhập các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam lại trở lại là đề tài nóng được bàn thảo trở lại gần đây sau khi được một vài bài báo đưa tin đề cập trong năm 2006. Một số các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam gần đây đã trực tiếp hay gián tiếp liên hệ, trao đổi với nhau về vấn đề sáp nhập và hy vọng trong tương lai không xa sẽ có những sự sáp nhập lớn trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý.

Sáp nhập trong bối cảnh hiện nay nhằm mục đích chính là tồn tại hơn là phát triển. Việc sáp nhập sẽ giúp các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam tiết kiệm không dưới 2/5 chi phí họat động do giảm đáng kể chi phí cố định, ví dụ như chi phí thuê văn phòng, nhân viên hành chính và văn phòng phẩm. Việc sáp nhập cũng góp phần làm tăng doanh thu do có thể đa dạng hóa được các lọai dịch vụ pháp lý cung cấp cho khách hàng. Ví dụ, mặt dù các dịch vụ thành lập công ty, doanh nghiệp hay tư vấn pháp lý doanh nghiệp giảm sút nhưng các dịch vụ tư vấn pháp luật liên quan đến việc sa thãi lao động, tái cấu trúc doanh nghiệp, mua bán và sáp nhập, giải quyết tranh chấp lại tăng lên, nên việc sáp nhập hai Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam có các thế mạnh về các lọai dịch vụ pháp lý khác nhau sẽ tạo thuận lợi cho nhau tăng các sản phẩm dịch vụ hiện có để tăng doanh thu.

Sáp nhập có khả thi trong giai đọan hiện nay không? Câu hỏi này cần có lời đáp và nếu tình hình kinh tế tòan cầu nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục ảm đạm như hiện nay thì việc sáp nhập chỉ là vấn đề thời gian mà thôi nếu các Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam muốn tồn tại (to be or not to be). Sáp nhập để tồn tại trong giai đọan kinh tế khó khăn hiện nay và rồi cùng nhau phát triển khi kinh tế đi lên, tại sao không? Một câu hỏi hay đáng được suy ngẫm.

Luật sư Nguyễn Hữu Phước– Công ty Luật Phước & Các Cộng Sự

—-

[1] Điều 10 của Luật thuế TNDN mới

[2] Điều 3.3 của Luật thuế TNCN mới

[3] Điều 13 của Luật BHYT mới

[4] Điều 102 của Luật BHXH mới

[5] Điều 91 và 92 của Luật BHXH mới

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button