....

Cuối Năm Chia Sẻ Với LRAC Về Câu Chuyện Nghề Nghiệp

TOÀN VĂN BÀI CHIA SẺ VỚI CÂU LẠC BỘ NGHIÊN CỨU VÀ TƯ VẤN PHÁP LUẬT LRAC- ĐẠI HỌC KINH TẾ LUẬT (UEL)

Chào Anh, Anh có thể chia sẻ lý do vì sao Anh lại theo đuổi nghề luật mà không phải ngành nghề nào khác và động lực nào đã giúp Anh giữ vững đam mê đó đến bây giờ ạ?

Mình đến với nghề luật như một cơ duyên trời định. Mình thi trượt trường y (khối B) buộc phải đi học luật (khối A). Mong muốn ban đầu là học y để sau này trở thành bác sĩ phẫu thuật tim nhưng giờ lại làm luật sư (cười tươi). Mình xuất thân trong một gia đình có mẹ là giáo viên mầm non, bố là bộ đội ở thành phố biển Sầm Sơn. Gia đình không ai hành nghề luật và cũng không ai có hiểu biết gì về nghề luật sư. Kỳ thi vào đại học năm 2004, mình có làm hồ sơ thi thêm khối A ngành luật để dự phòng. Rồi đậu vào trường luật Hà Nội cũng đầy may mắn khi phải sử dụng đến quyền ưu tiên khu vực.

Ngay năm đầu tiên học luật, mình đã rất ngạc nhiên và không ngờ một người dân khối B&A ngại học thuộc lòng như mình mà có thể nhớ và nắm bắt các kiến thức xã hội tốt như vậy. Kỳ đầu tiên, mình xếp top 5 của lớp, rồi các kiến thức xã hội rộng lớn khiến mình yêu quý ngành luật hơn. Sau 4 năm đại học, trường Luật Hà Nội đã đào tạo từ một “bác sĩ hụt” trở thành một luật sư tương lai. Nhiều lúc nghĩ lại, mình cảm thấy may mắn khi là sinh viên luật. Cũng chính trường luật Hà Nội là nơi mình tìm ra một nửa đời mình sau này và có thêm hai file đính kèm (cười).

Để có thể theo đuổi hơn 11 năm với nghề luật, mình nghĩ rằng có mấy lý do chính. Thứ nhất, nghề luật đòi hỏi chúng ta phải không ngừng học hỏi để có một kiến thức rộng và sâu sắc về kinh tế, xã hội, cuộc sống và điều này cũng khiến chúng ta tự hào. Thứ hai, nghề luật cũng cho chúng ta các thành tựu khi hành nghề, điều này được đo lường bằng các giá trị mà chúng ta mang lại cho khách hàng và cộng đồng. Cuối cùng, như một nghề nghiệp, luật sư cũng có được thu nhập khá để trang trải cuộc sống.

Anh đã từng tiếp xúc và làm việc trong nhiều mảng luật khác nhau như đầu tư, doanh nghiệp, lao động, viễn thông, …Vậy đâu là mảng luật Anh yêu thích và cảm thấy hứng thú nhất?

Giống như nhiều bạn khác khi còn là sinh viên thường thích sau này ra trường được làm các lĩnh vực nghe thật “hoành tráng” hoặc “mới mẻ” như tài chính ngân hàng, mua bán sáp nhập (M&A); sở hữu trí tuệ (IP); doanh nghiệp; đầu tư; bất động sản. Thực tế, 5 năm đầu tiên hành nghề mình may mắn đều được tham gia làm chính hoặc phụ giúp các mảng công việc này. Tuy nhiên trong nghề luật, ở một số thời điểm đôi khi chúng ta không được quyền chọn lĩnh vực để làm. Việc quyết định chúng ta làm ngành luật nào nhiều phụ thuộc vào nhu cầu dịch vụ của khách hàng và thế mạnh mà công ty luật bạn đang có trên thị trường.

Tình cờ bảy năm gần đây, mình có cơ duyên tư vấn và hỗ trợ khách hàng trong mảng tư vấn và giải quyết các tranh chấp lao động. Ban đầu, mình cũng không hào hứng gì khi phải sử dụng hơn 50% thời gian cho công việc này. Tuy nhiên, ba năm gần đây khi thực sự thấu hiểu về lĩnh vực lao động trong doanh nghiệp mới thấy những điều thú vị và giá trị mình có thể mang lại cho khách hàng. Sở dĩ có sự hứng thú này, bởi vì lĩnh vực lao động đòi hỏi luật sư ngoài kiến thức pháp lý về lao động, còn phải thực sự am hiểu về cấu trúc bộ máy hoạt động của doanh nghiệp; hiểu về tâm lý và tính cách con người. Mình hay ví von với các đồng nghiệp khác là chúng ta làm việc với máy tính, máy móc rất dễ nhưng lại khó làm việc giữa con người với con người.

Một điều mà nhân đây mình cũng muốn chia sẻ với các bạn rằng dù bạn hứng thú với một ngành luật cụ thể nào đó nhưng đừng quên rằng các vấn đề pháp lý thường có quan hệ mật thiết với nhau. Điều này nghĩa là ít nhất khoảng ba năm đầu tiên bạn cần trang bị và trải nghiệm thật nhiều lĩnh vực luật để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm.

Theo như em được biết thì Anh đã từng tham gia nhiều khóa học nghiệp vụ chuyên ngành thu hẹp như CIArb, hòa giải thương mại, … Anh có thể chia sẻ đôi chút về những khóa học này và ý nghĩa mà chúng mang lại cho Anh trong quá trình làm việc không ạ?

Trước tiên, mình muốn bật mí cho bạn một lời khuyên mà một trong những luật sư đàn anh (sếp cũ) nói với mình rằng “luật sư là thầy của thiên hạ về luật, nhưng cũng là học trò của thiên hạ về những chuyên môn hẹp”. Vì vậy, bản thân mình và các bạn nên xác định tâm thế, sự nghiệp học tập sẽ không dừng lại sau khi bạn có tấm bằng cử nhân luật. Việc học tập của nghề luật chúng ta đôi khi không nhất thiết phải thể hiện qua bằng cấp, chứng chỉ.

Quay lại với chuyên đề hẹp là trọng tài thương mại (khóa học giới thiệu chung về trọng tài quốc tế do CIArb tổ chức), đây là khóa học kéo dài 1,5 ngày nhằm mục đích cung cấp các thông tin và kiến thức sơ bộ về quy tắc tố tụng trọng tài quốc tế và nước ngoài như UNCIRAL Arbitration Rules, ICC, SIAC, VIAC…vv. Điểm may mắn là trong vài năm gần đây, mình đã tham gia với vai trò là luật sư của nguyên đơn/bi đơn trong các vụ việc tố tụng trọng tài. Điều này giúp ích rất nhiều cho việc vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn và làm sâu sắc các lý thuyết đã được đào tạo.

Còn về hoà giải thương mại, đây thực sự là một khóa học hết sức bổ ích và khai sáng cho mình hiểu và vận dụng các kiến thức, kỹ năng về hòa giải. Khóa học Mediator (hòa giải viên) do IFC tài trợ tài chính và được các chuyên gia giỏi từ Viện đào tạo giải quyết tranh chấp hiệu quả CEDR (toàn cầu) đứng lớp giảng dạy và hướng dẫn thực hành trong 5 ngày tại Khách sạn Intercontinential. Sau khóa học này, phần lớn các Hòa giải viên chính thức (Accredited Mediator) của khóa học đã tham gia thành lập hoặc gia nhập Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC). Ngoài ra các kiến thức về hòa giải viên lại có tác dụng bổ trợ rất tốt cho phần kỹ năng của luật sư trong việc thương lượng, đàm phán. Mặc dù hiện nay chưa nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp này tuy nhiên, sau khi Công ước Singapore về hòa giải thương mại được thông qua vào tháng 8/2019 sẽ chính thức mở ra một xu hướng mới của thế giới về một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (Alternative Dispute Resolution) mới.

Chắc hẳn trong quá trình hành nghề Anh đã từng gặp không ít khó khăn, những vụ án khó giải quyết, Anh có thể chia sẻ về những khó khăn Anh gặp phải cũng như cách Anh có thể đối diện và vượt qua nó được không ạ?

Nghề luật sư là một công việc cao quý và cũng là nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn tại Việt Nam. Cũng như phần lớn các anh chị luật sư đi trước, mỗi giai đoạn hành nghề bản thân mình cũng gặp các khó khăn khác nhau. Ở giai đoạn đầu tiên khi bước vào nghề luật, ai cũng muốn chọn cho mình một môi trường làm việc hoàn hảo với thu nhập cao, có nhiều công việc thú vị để cọ sát, tiến bộ và những người đồng nghiêp, người sếp giỏi để hướng dẫn mình. Về cơ bản giai đoạn này mình may mắn hơn các bạn đồng trang lứa khi tìm được nơi đáp ứng được 2/3 tiêu chí này. Tuy nhiên, khó khăn ở giai đoạn này là mình cần hoàn thiện rất nhiều kỹ năng nhưng lại phải hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ dẫn đến áp lức tinh thần, mệt mỏi về thể xác. Mình tạm gọi giai đoạn này là khởi động.

Qua được giai đoạn đầu (khoảng 3 năm), mình lại vào một giai đoạn khó khăn mới là làm thế nào để nhanh chóng trở thành một luật sư chuyên nghiệp thực thụ. Cái mà đòi hỏi mình không chỉ vững vàng về kiến thức chuyên môn, mà còn phải học tập và hoàn thiện kỹ năng làm việc nhóm, lãnh đạo nhóm và song song với đó là việc hoàn thiện sự am hiểu về doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh. Giai đoạn này trung bình mất thêm khoảng 3-5 năm tiếp theo. Bên cạnh đó mình cũng vẫn phải tiếp tục làm sâu sắc hơn các kiến thức và kỹ năng vận dụng vào giải quyết vấn đề của doanh nghiệp, khách hàng. Có thể gọi giai đoạn này là vượt trướng ngại vật.

Sau khi có được từ 7-8 năm kinh nghiệm hành nghề, mình và các đồng nghiệp của mình nếu muốn phát triển trở thành một luật sư chuyên nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý độc lập cho khách hàng thì phải đáp ứng các yêu cầu mà thị trường dịch vụ pháp lý đề ra. Cụ thể khó khăn ở giai đoạn này thứ nhất là làm sao có thể giỏi được ít nhất 1-2 chuyên môn hẹp để tự tin cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Thứ hai là làm thế nào thuyết phục và xây dựng được uy tín để khách hàng tin tưởng và sử dụng dịch vụ pháp lý của mình. Cuối cùng, mình cần phải học tập kỹ năng xây dựng và phát triển đội nhóm để có thể hiệp lực hiệu quả trong công việc. Đây là giai đoạn tăng tốc rất khó khăn mà mình phải vượt qua.

Một điều thật lòng là một vài thời điểm đã có lúc mình định buông xuôi vì nghĩ rằng mình không thể đạt được đích đến mà mình đề ra. Nhiều thời điểm khó khăn chồng chất khó khăn, họa vô đơn chí. Tuy nhiên, với sự đồng viên từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và với quyết tâm, lòng đam mê về nghề luật đã giúp mình bước tiếp và bước lên những nâng thang cao hơn. Chính vì vậy, quan điểm của mình xem khó khăn vừa là thử thách và cơ hội để chiến thắng chính bản thân mình.

Anh có thể chia sẻ môi trường làm việc của công ty luật và môi trường làm việc ở bộ phận pháp chế trong doanh nghiệp khác nhau như thế nào và những ưu, nhược điểm của từng môi trường làm việc không ạ?

Mỗi môi trường làm việc đều có những ưu và nhược điểm riêng. Môi trường làm việc ở bộ phận pháp chế trong doanh nghiệp sẽ giúp chúng ta có cách nhìn, sự hiểu biết bao quát, sâu sắc hơn về các mảng pháp lý thuộc lĩnh vực công ty đang kinh doanh và có hướng giải quyết hiệu quả, linh hoạt. Tuy nhiên, bất lợi ở đây là không có cơ hội được học hỏi, tiếp xúc với nhiều mảng pháp lý. Bên cạnh đó, hiện nay vị trí pháp chế còn phải kiêm nhiệm thêm các công việc như về quản lý hành chính, nhân sự nên cũng bị mất bớt quỹ thời gian dành cho chuyên môn luật. Sinh viên luật vừa mới ra trường làm việc ở doanh nghiệp hay bị thiếu các kỹ năng mềm, cũng như năng lực chuyên môn, khả năng tư duy pháp lý và thực sự chưa hiểu được vai trò luật sư của mình và dễ gặp phải rủi ro nghề nghiệp.

Khi làm việc ở các công ty luật, các bạn sẽ được rèn luyện tư duy pháp lý, kỹ năng mềm và chuyên môn thông qua việc cung cấp dịch vụ cho nhiều khách hàng thuộc nhiều mảng khác nhau. Điều đó giúp ích chúng ta xác định được mảng luật mà mình yêu thích và gắn bó lâu dài sau này. Tuy nhiên, bất lợi của môi trường này là các bạn sẽ ít có thời gian tìm hiểu chuyên sâu cả thực tiễn và pháp lý về một mảng luật cụ thể như bộ phận pháp chế của một doanh nghiệp.

Suy cho cùng, mỗi môi trường đều có những ưu và nhược điểm, điều quan trọng là chúng ta biết được những ưu, nhược điểm đó để phát huy và khắc phục. Nếu làm việc ở bộ phận pháp chế, các bạn có thể dành quỹ thời gian tham gia các hội thảo chuyên đề, chia sẻ khó khăn bằng cách sử dụng các dịch vụ pháp lý của công ty luật. Còn khi làm việc ở công ty luật, chúng ta cũng có thể ghép nối nhiều khía cạnh pháp lý của nhiều doanh nghiệp để hiểu sâu hơn một mảng luật từ việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, theo Anh điều này ảnh hưởng như thế nào đến hệ thống pháp luật nước ta và hoạt động của ngành luật ạ?

Thời đại công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là thách thức với những người làm nghề luật vì AI có bộ nhớ rất tốt và khả năng tổng hợp thông tin với tốc độ xử lý cực kỳ nhanh. Có một thực tế rằng, rất nhiều sinh viên luật và kể cả một số luật sư trẻ thường ngại nhớ các nguyên tắc, những điều luật cụ thể mà ỉ lại vào việc tra cứu trên máy mỗi khi cần. Khi công nghệ AI giúp việc tra cứu, tổng hợp các kiến thức luật dễ dàng hơn thì liệu rằng luật sư có thể cạnh tranh với công nghệ AI không!?

Sự ra đời của AI đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật thống nhất và rõ ràng mới có khả năng đem lại giá trị cho khách hàng và nâng cao dịch vụ pháp lý. Nhưng ở thời điểm hiện tại thì kể cả hệ thống pháp luật của các quốc gia phát triển, AI vẫn không thay thế được vai trò của những người hành nghề luật.

Tại Việt Nam, pháp luật hiện nay còn chồng chéo và nhiều mâu thuẫn do vậy nguy cơ trí tuệ nhân tạo cướp đi hoàn toàn công việc của luật sư là khó có khả năng xảy ra trong thời gian ngắn sắp tới. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nhìn nhận vấn đề này một cách tích cực hơn thông qua việc công nghệ số phát triển sẽ hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển của ngành luật. Bởi lẽ, ở thời kì công nghệ chưa phát triển, chưa có sự xuất hiện của internet, việc cập nhật, tìm kiếm, tra cứu luật đối với người học cũng như người hành nghề luật là vô cùng khó khăn và tiêu tốn thời gian. Như vậy, tôi và luật sư trong tương lai như các bạn cần tranh thủ thời cơ này để tìm hiểu, làm quen và học cách bắt trí tuệ nhân tạo phục vụ tốt hơn cho công việc của chúng ta.

Cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi đối với bất kì ngành nghề nào. Theo Anh, các bạn sinh viên cần trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng gì để có thể khẳng định và giữ vững vị trí của mình trong thời đại công nghệ 4.0?

Mình luôn tâm đắc với câu nói của bố mình: “Người ta sẽ không trao huy chương vàng môn điền kinh cho những người về đích thứ hai trở đi, tương tự cũng sẽ không có huy chương vàng cho người nâng tạ nhẹ hơn người khác’’. Kiến thức và kỹ năng là 2 yếu tố chính tạo ra năng lực con người, bên cạnh đó là lòng đam mê giúp chúng ta vượt qua mọi giới hạn. Cạnh tranh lành mạnh là cạnh tranh về năng lực giữa những người tham gia. Vì vậy, để các bạn có lợi thế cạnh tranh bạn phải vượt trội hơn người khác ở từng yếu tố năng lực. Cụ thể, cùng học một lớp, một trường nhưng sẽ có sự khác biệt đáng kể giữa một người tích lũy kiến thức sâu và rộng hơn người còn lại. Ngoài kiến thức pháp lý, bạn cũng phải tích lũy thật nhiều kiến thức về kinh tế- xã hội cập nhật nhất và có tính hệ thống.

Trong nghề luật, kỹ năng thường được chia thành hai nhóm kỹ năng mềm và kỹ năng kỹ thuật (kỹ năng về chuyên môn). Các kỹ năng mềm chính như là tin học, tiếng Anh, giao tiếp, làm việc nhóm, …và các kỹ năng chuyên môn thực sự chỉ có được khi bạn có được các trải nghiệm trên các công việc thực tế và được hướng dấn bài bản. Để cạnh tranh bạn cần đặt mình trong môi trường để học và thực hành các kỹ năng này như văn phòng luật, doanh nghiệp…vv.

Ở thời đại 4.0, việc canh tranh còn thể hiện ở năng lực vận dụng công nghệ trong thực hiện công việc. Do vậy, để cạnh tranh trong thời đại số này, bạn phải không ngừng tìm kiếm, cập nhật và sử dụng công nghệ để đi trước và đi nhanh hơn người khác.

Thay mặt CLB Nghiên cứu & Tư vấn Pháp luật (LRAC), chúng em chân thành cảm ơn Anh đã dành thời gian cho bài phỏng vấn. Kính chúc Anh sức khỏe và thành công hơn nữa trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Thành phố Hồ Chí Minh 25 tháng 12 năm 2019

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button