....

Khách Sạn Không Phải Trả Phí Tác Quyền Cho Tivi

Một lần nữa “cuộc chiến” tính phí tác quyền đối với các tác phẩm âm nhạc trên ti vi giữa một bên là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và cộng đồng những người làm trong lĩnh vực khách sạn lại bắt đầu khi VCPMC thông báo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã cho phép thu phí trở lại. Theo đó, từ quí 4-2017 các khách sạn phải trả phí tác quyền cho VCPMC với giá là 25.000 đồng/ti vi/phòng/năm.

Trước đây, VCPMC đã dựa vào quy định về quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng theo điều 20.1.b Luật Sở hữu Trí tuệ (SHTT). Tuy nhiên, cơ sở pháp lý này của VCPMC vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia pháp luật về SHTT.

Cũng đã có ý kiến tán thành từ Cục Bản quyền Tác giả khi cho rằng VCPMC có quyền thu tiền tác quyền theo điều 33 Luật SHTT và điều 35 của Nghị định 100/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác về mặt pháp lý, người viết bài này cho rằng cần xác định bản chất việc ti vi ở các khách sạn có sử dụng bản ghi âm, ghi hình hay đây là chương trình phát sóng – một đối tượng khác trong quyền liên quan được Luật SHTT quy định.

Ti vi đang chạy chương trình phát sóng không phải bản ghi âm, ghi hình

Thoạt nhìn thì thấy rằng, việc các khách sạn sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền để được xem các kênh có phát các tác phẩm âm nhạc, có gì đó tương đồng với việc khách sạn mua các đĩa CD, VCD hoặc mở các bản nhạc trên Internet (bản ghi âm, ghi hình). Bởi điểm chung của hai hành vi này là đều truyền tải tác phẩm âm nhạc đến khách hàng. Tuy nhiên, một điều mà ai cũng biết rằng các dịch vụ truyền hình trả tiền thì nội dung tổng hợp hơn, ngoài tác phẩm âm nhạc còn có phim, tin tức, thể thao và các nội dung khác để hình thành nên các kênh truyền hình. Vậy bản chất các kênh truyền hình trả tiền có phải là bản ghi âm, ghi hình theo Luật SHTT hay không. Theo quan điểm người viết, các ti vi trong khách sạn không phát các bản ghi âm, ghi hình mà thực tế là đang khai thác các chương trình phát sóng từ các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền hay còn gọi là các tổ chức phát sóng theo Luật SHTT.

Luật SHTT cũng đã liệt kê các đối tượng quyền liên quan trong đó bản ghi âm, ghi hình và chương trình phát sóng là các đối tượng quyền liên quan tách biệt và độc lập nhau. Luật cũng phân biệt rõ đối tượng bảo hộ quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình là nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, trong khi đó tổ chức phát sóng được bảo hộ quyền liên quan đối với chương trình phát sóng. Đồng thời Luật SHTT cũng tách biệt rõ quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và quyền của tổ chức phát sóng.

Thực tế thì bản ghi âm, ghi hình chỉ đơn thuần chứa các tác phẩm âm nhạc trong khi đó các chương trình phát sóng/kênh thường chứa nhiều nội dung khác và bao gồm có quảng cáo, nhận tài trợ hoặc không có quảng cáo, tài trợ để tạo thành một chương trình phát sóng riêng biệt có kết cấu nội dung, biên tập và đạo diễn. Ngoài ra người mua bản ghi âm, ghi hình có thể chủ động sử dụng các bản này, trong khi đó người mua dịch vụ các chương trình phát sóng thì hoàn toàn thụ động tiếp nhận.

Do vậy, chúng ta không thể đánh đồng và áp dụng một cách rập khuôn và không có cơ sở pháp luật về các quyền và nghĩa vụ giữa việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình với việc sử dụng các chương trình phát sóng, mà Luật SHTT đã tách bạch là các đối tượng riêng được luật bảo vệ.

Quyền thu phí chương trình phát sóng thuộc về ai

Sau khi làm rõ đối tượng quyền liên quan mà các ti vi đang truyền tải, một việc cần thiết nữa là xác định đối tượng được hưởng quyền thu phí chương trình phát sóng này. Truy xuất từ quá trình hình thành chương trình phát sóng, thì bản ghi âm, ghi hình là một trong những nguyên liệu đầu vào của các chương trình phát sóng. Điều 33.1 của Luật SHTT cũng quy định tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng… không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng.

Hướng dẫn về quyền tác giả và quyền liên quan, Nghị định 85/2011 NĐ-CP quy định: khi sử dụng các tác phẩm, bản ghi âm ghi hình để sản xuất chương trình phát sóng, tổ chức phát sóng phải thực hiện nghĩa vụ với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định của pháp luật. Điều này cũng có nghĩa là để tạo ra một tài sản có quyền liên quan độc lập như chương trình phát sóng, tổ chức phát sóng đã phải đầu tư tài chính để tạo lập ra nó.

Nghị định 85 cũng quy định về trường hợp khi tổ chức, cá nhân sử dụng chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng khác để phân phối đến công chúng thì chương trình phát sóng này sẽ thực hiện theo thỏa thuận và các quy định pháp luật liên quan. Quy định này được áp dụng trong thực tiễn khi các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền/tổ chức phát sóng bán dịch vụ truyền hình trả tiền cho khách hàng theo số lượng kênh cũng như số lượng ti vi mà khách hàng đăng ký. Hay nói cách khác tổ chức phát sóng đã thu tiền phí sử dụng chương trình phát sóng của mình đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ của mình (trong đó có các khách sạn).

Quay trở lại điều 33.1 Luật SHTT nhắc đến ở trên, có thể hiểu rằng chỉ khi sử dụng bản ghi âm, ghi hình trong hoạt động kinh doanh thì tổ chức, cá nhân mới phải trả phí tác quyền, còn khi tổ chức, cá nhân sử dụng chương trình phát sóng thì sẽ thực hiện theo thỏa thuận với tổ chức phát sóng.

Tổ chức phát sóng nên đứng ra làm trung tâm giải quyết xung đột lợi ích

Việc VPCMC đứng ra thu tiền bản quyền âm nhạc theo ủy thác của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình đối với chương trình phát sóng là không vững chắc về cơ sở pháp luật và không phù hợp bởi vì chương trình phát sóng thuộc về tổ chức phát sóng.

Về khía cạnh kinh tế, việc chủ các khách sạn không đồng ý với việc thu 25.000 đồng/ti vi/phòng cũng hoàn toàn có lý do vì chủ khách sạn làm sao tính toán được có bao nhiêu giờ, có bao nhiêu tác phẩm được sử dụng để yêu cầu người thuê dịch vụ khách sạn trả số phí này cho khách sạn. Một lý do khác là dù mức phí 25.000 đồng/ti vi có thể không phải là quá lớn nhưng khi khách sạn đồng ý trả cũng sẽ đồng nghĩa với việc họ thừa nhận rằng VPCMC có quyền thu tác quyền đối với chương trình phát sóng và trong tương lai ai đảm bảo mức phí này sẽ không tăng trong khi đó chủ khách sạn vẫn phải trả tiền mua dịch vụ truyền hình trả tiền.

Trong trường hợp, việc áp dụng khiên cưỡng theo hướng để VPCMC thu tiền tác quyền trên đầu ti vi tại khách sạn trên cơ sở pháp lý không rõ ràng thì một ngày đẹp trời nào đó sẽ đến việc thu tác quyền trên các xe taxi, xe buýt có mở các chương trình phát thanh có phát các tác phẩm âm nhạc. Và hậu quả là một cuộc tranh cãi mới lại nổ ra tương tự như chuyện thu tác quyền trên ti vi hiện nay.

Do vậy, sẽ là hợp lý về mặt kinh tế và có cơ sở pháp luật, khi quy định các chủ sở hữu khách sạn sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho tổ chức phát sóng nếu số lượng kênh phát tác phẩm âm nhạc nhiều. Từ đó các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cũng phải tự sắp xếp loại kênh riêng biệt có sử dụng nhiều tác phẩm âm nhạc để dễ dàng tính phí thuê kênh cho khách sạn.

Về mặt kinh tế có thể thấy trung tâm của việc tranh chấp lợi ích giữa VPCMC và khách sạn phải là các tổ chức phát sóng/nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Một trong những chi phí đầu vào của các tổ chức phát sóng/nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền là chi phí mua bản quyền bản ghi âm, ghi hình và doanh thu đầu ra là doanh thu bán được từ các kênh/chương trình phát sóng cho khách hàng (bao gồm khách sạn). Điều này cũng phù hợp với quan hệ cung-cầu về tác phẩm âm nhạc. Nếu các tổ chức phát sóng sử dụng nhiều tác phẩm âm nhạc (bản ghi âm, ghi hình) thì chi phí đầu vào của họ tăng lên và điều này đồng nghĩa với việc họ phải bán dịch vụ của mình ở các kênh chuyên phát các tác phẩm âm nhạc với giá cao hơn. Hay nói cách khác giá trị kinh tế của các bản quyền âm nhạc sẽ được thu thông qua sự điều tiết của tổ chức phát sóng.

Nguyên nhân của tranh chấp tác quyền này là do sự không rõ ràng của Luật SHTT hiện hành đối với quyền tác giả và quyền liên quan. Hy vọng trong thời gian tới, các nhà làm luật sẽ khắc phục được hạn chế này và ban hành các quy định giúp bảo vệ trật tự kinh tế trong xã hội được ổn định, tránh tình trạng các tranh chấp về bản quyền âm nhạc đang “leo thang” như hiện nay.

Luật sư Lê Trọng Thêm- Công ty Luật LTT & Lawyers

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button