Thông thường một luật sư hành nghề trong một mảng pháp luật nào đó thường được đồng nghiệp và khách hàng yêu mến gắn cho cái đuôi đằng sau như là luật sư hình sự, luật sư dân sự, luật sư sở hữu trí tuệ, luật sư lao động…vv. Đồng thời cũng có một số luật sư được đặt tên theo giao dịch mà họ thường xuyên tham gia vào như là luật sư mua bán sáp nhập (M&A). Một số người Việt Nam không quen đọc ký hiệu “&” và chữ cái tiếng Anh hay phát âm là luật sư MA. Thực sự thì chỉ có các doanh nhân người thường xuyên thực hiện các giao dịch M&A mới nhận ra tầm quan trọng về vai trò “cầu nối” hay “chìa khóa” cho các giao dịch M&A mà các luật sư M&A vẫn đang ngày đêm chạy hết tốc lực để giúp cho giao dịch M&A được diễn ra và sớm hoàn thành.
Người thông ngôn
Trong các giao dịch M&A, giai đoạn đầu tiên trong quá trình giao dịch là các bên tham gia cần gặp gỡ, trao đổi các văn bản sơ bộ như thư diễn tả ý định (letter of intent), thỏa thuận sơ bộ (term sheet), biên bản ghi nhớ (memorandum of understanding) ghi nhận những nội dung phác thảo sơ bộ về toàn bộ giao dịch M&A… Luật sư M&A bắt đầu tham gia với vai trò giúp cho người bán truyền đi thông điệp bằng các văn bản chính thức nêu trên và ở chiều ngược lại bên mua cũng yêu cầu các luật sư M&A của mình giúp diễn dịch ra thông điệp của bên bán đôi khi chỉ là một vài trang giấy nhưng nó chứa đựng cả một sự dịch chuyển tài sản vô cùng lớn và ảnh hưởng đến rất nhiều con người trong tương lai.
Về thói quen thương mại, hầu hết các thông tin trao đổi trong giai đoạn này đều không có tính ràng buộc pháp lý, nghĩa là bên bán doanh nghiệp chưa buộc phải bán tài sản hoặc doanh nghiệp cho bên mua và ngược lại, bên mua cũng không buộc phải bỏ tiền ra để mua tài sản hoặc doanh nghiệp của bên bán. Tuy nhiên, thực tế là có không ít trường hợp các giao dịch M&A phát sinh tranh chấp từ những thông điệp đầu tiên này. Vì vậy các bên cần những người thông ngôn đầy đủ và chính xác các ý định của mình.
Người bảo tin
Trong một số trường hợp, luật sư M&A còn đóng vai trò là người bảo đảm niềm tin cho bên mua hoặc bên bán. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp nước ngoài thường thực hiện các giao dịch mua lại toàn bộ hoặc một phần một doanh nghiệp Việt Nam, và họ thường yêu cầu bên bán phải có luật sư chuyên về M&A tham gia. Lúc này các tài liệu như báo cáo thẩm tra pháp lý doanh nghiệp (Legal Due Diligence Report) hay thư giải trình thông tin bất lợi (disclose letter) đều được các luật sư thực hiện với sự chính xác và trung thực các vấn đề của doanh nghiệp. Vì uy tín nghề nghiệp và đạo đức hành nghề luật sư, gần như tuyệt đối các thông tin được luật sư đưa ra dù bảo vệ quyền lợi cho bên nào đều là các thông tin được thu thập từ các tài liệu pháp lý có thật và theo quy trình hợp pháp và khách quan.
Lòng tin của các bên vào nhau là rất quan trọng, nó quyết định giao dịch có diễn ra hay không. Khi có sự tham gia của luật sư M&A, người mua cũng phần nào tin tưởng rằng hàng hóa (doanh nghiệp, tài sản) được mình mua là các tài sản hợp pháp và người bán cũng tin tưởng rằng bên mua có đủ năng lực pháp luật để có quyền tham gia vào giao dịch này. Cũng có những giao dịch bên mua đã chỉ định sẵn luật sư nào sẽ là luật sư M&A của bên bán cho giao dịch mà mình sẽ thực hiện mua và đây là điều kiện tiên quyết để các bên có thể ngồi lại với nhau tính chuyện xa hơn. Có thể nói rằng đạo đức nghề nghiệp, đã giúp luật sư trở thành người bảo đảm lòng tin cho các giao dịch mà mình hỗ trợ pháp lý.
Người thiết kế
Đa phần các giao dịch M&A đều có sự tham gia của nhiều (bên mua, bên bán, các công ty liên quan đến bên mua bên bán ở nhiều quốc gia, các tổ chức tín dụng tài trợ giao dịch,… vv) và thường phải trải qua nhiều giai đoạn thực hiện và với mức độ tương đối phức tạp. Thông thường, trong cuộc gặp đầu tiên với khách hàng, luật sư M&A hay được đề nghị tư vấn về cấu trúc của giao dịch để đảm bảo mục đích thương mại của mình với thời gian thực hiện giao dịch ngắn nhất và chi phí cho giao dịch thấp nhất (chủ yếu là vấn đề tiết kiệm thuế).
Điều này đòi hỏi luật sư M&A phải rất nhanh nhạy và có kiến thức, tư duy về kinh doanh, pháp lý tốt để có thể thiết kế được một cấu trúc giao dịch đơn giản và dễ hiểu để thuyết trình với các bên và phân tích các ưu nhược điểm của cấu trúc giao dịch để các bên cân nhắc và quyết định. Lúc này vai trò của luật sư M&A là vô cùng quan trọng, họ là người chỉ đường đi nước bước theo tuần tự hợp pháp, an toàn về mặt pháp lý và tài chính cho các bên. Trên cơ sở các quy định thuế và tài chính, luật sư M&A có thể tư vấn giúp các bên tiết kiệm chi phí thuế cho giao dịch này.
Người viết luật
Không ai khác ngoài Luật sư M&A, họ sẽ là người chuyển thể các thỏa thuận thương mại của các bên thành các điều khoản có tính ràng buộc pháp luật để thể hiện cam kết, cũng như quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch. Các tài liệu được soạn thảo như là các thỏa thuận thành viên (shareholder agreement), hợp đồng góp vốn (subscription agreement), hợp đồng mua bán (sale and purchase agreement) điều lệ (memorandum and articles), thỏa thuận bảo mật (non-disclosure agreement), thỏa thuận không cạnh tranh (deed of non-competition) và các văn bản khác được các bên thỏa thuận.
Người viết luật đòi hỏi phải có khả năng chuyển thể bản thiết kế thành các điều khoản rõ ràng, đầy đủ và có tính bao hàm, dự liệu cao. Điều này yêu cầu các luật sư M&A phải có bề dày kinh nghiệm và kỹ thuật chuyên môn đủ tốt để hỗ trợ cho giao dịch.
Người giữ lửa
Trong suốt thời gian giao dịch M&A diễn ra, các bên không tránh khỏi những vấn đề chưa tìm được tiếng nói chung như thanh toán, bàn giao, rủi ro, nhân sự,…vv. Có những thời điểm các bên đi về các hướng khác nhau, không chấp nhận đề xuất của nhau, quá nhiều yêu cầu tiên quyết được đưa ra. Thậm chí có trường hợp các bên sẵn sàng tuyên bố hủy bỏ giao dịch trước các đòi hỏi của bên còn lại. Lúc này các luật sư M&A của các bên phải thảo luận với nhau để tìm ra lời giải giúp các bên có thể tiếp tục ngồi xuống và đàm phán với nhau. Khi ấy, luật sư M&A như các sứ giả trong một cuộc chơi mà lợi ích các bên thường đối lập nhau.
Thực tế thì cũng có luật sư khi tham gia và giao dịch M&A lại có xu hướng quá cứng rắn đến mức sẵn sàng khuyên khách hàng của mình phá vỡ giao dịch (break deal) khi phát sinh vấn đề mâu thuẫn. Vì vậy, một luật sư M&A giỏi là người có thể làm sứ giả của giao dịch và biết cách giữ ngọn lửa được cháy cho đến khi giao dịch hoàn thành.
Để một giao dịch M&A thành công, luật sư M&A đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Tùy từng thời điểm, họ phải giữ các vai trò khác nhau và cần phải làm tròn các vai trò này. Do dó, một giao dịch M&A thành công cần phải có các luật sư uy tín tham gia hỗ trợ các bên và sự lựa chọn tốt nhất vẫn là các luật sư chuyên về làm mảng M&A.
Luật sư Lê Trọng Thêm