Ngày 8/10/2016 Luật sư Lê Trọng Thêm và các luật sư đồng nghiệp của Phuoc & Partners đã tham dự chương trình ngày hội tuyển dụng- UEL Career day 2016 tại Trường Đại học Kinh tế Luật (UEL). Đây là một ngày hội hàng năm của UEL nhằm kết nối giữa nhà tuyển dụng và nhà trường để tìm kiếm và tuyển dụng các tân cử nhân tài năng.
Ngoài tham gia gian hàng hội trợ của ngày hội tuyển dụng, Luật sư Trọng Thêm được mời tham gia với vai trò diễn giả trong chủ đề “Hướng nghiệp với nghề Luật sư”. Chủ đề này thu hút được sự quan tâm của hơn 400 sinh viên khoa luật của UEL. Mở đầu chương trình Luật sư Trọng Thêm đã chia sẻ với các bạn sinh viên một thông kê về số lượng khoảng hơn 21 công việc đòi hỏi cần có bằng cử nhân luật như thẩm phán, kiểm sát viên, quản tài viên, trọng tài viên, công chứng viên, thừa phát lại, giảng viên luật, luật sư…vv. Đây là một lợi thế lớn cho các bạn sinh viên luật khoa của UEL.
Để trở thành luật sư, các bạn sinh viên UEL cần hoàn thành khóa học để có bằng cử nhân luật. Sau đó bạn cần tham gia khóa học đào tạo nghề luật sư (12 tháng tại Học viện Tư pháp) để được cấp chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư và tập sự hành nghề luật sư (12 tháng tại Tổ chức hành nghề luật sư). Kết thúc việc học tập và tập sư bạn phải vượt qua một kỳ thi kết thúc tập sự hành nghề luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức (thường được tổ chức một năm hai lần vào tháng 6 và 12) để được cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư. Công việc cuối cùng để lấy thẻ luật sư là bạn phải nộp hồ sơ gia nhập một đoàn luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ cấp thẻ luật sư cho bạn. Đó là quá trình để trở thành luật sư mà Luật sư Trọng Thêm đã chia sẻ với các bạn sinh viên.
Cũng trong buổi hướng nghiệp với nghề luật sư này, Luật sư Trọng Thêm đã giới thiệu các sách chuyên môn về nghề luật mà các luật sư thế hệ đàn anh đi trước đã chia sẻ cho thế hệ luật sư đi sau. Các cuốn sách được chia sẻ gồm: Tư duy pháp lý của luật sư (tái bản của cuốn Tài ba của luật sư) của tác giả Luật sư Nguyễn Ngọc Bích; Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư của tác giả Luật sư Nguyễn Hữu Phước; cuốn Pháp luật doanh nghiệp và cuốn kỹ năng hành nghề luật sư tư vấn của tác giả Luật sư Trương Nhật Quang; Thị trường vốn nợ của tác giả Luật sư Nguyễn Hồng Năng.
Luật sư Trọng Thêm cũng giới thiệu đến các bạn sinh viên năm cuối của UEL về chương trình thực tập sinh do Phuoc & Partners tổ chức hàng năm vào mùa hè và mua thu cho các bạn sinh viên năm cuối của các trường luật. Vui lòng xem thêm chương trình thực tập sinh của Phuoc &Partners theo đường link này: http://phuoc-partners.com/ban-tin/chuong-trinh-thuc-tap-304
Phần cuối cùng của chương trình là phần giải đáp các câu hỏi của các bạn sinh viên.
Câu hỏi 1: Luật sư làm việc cho hãng luật và luật sư làm cho doanh nghiệp có điểm gì khác nhau?
Về cơ bản luật sư hãng luật và luật sư doanh nghiệp có các điểm khác nhau như sau:
Thứ nhất là về đối tượng phục vụ, luật sư hãng luật cung cấp dịch vụ pháp lý cho các khách hàng trong khi luật sư doanh nghiệp thường chỉ cung cấp dịch vụ pháp lý cho một hoặc một số doanh nghiệp có quan hệ công ty mẹ con hoặc liên kết;
Thứ hai là về tính chất công việc luật sư hãng luật công việc chính là cung cấp các ý kiến tư vấn bằng văn bản, soạn thảo các hồ sơ tài liệu pháp lý cho các giao dịch của khách hàng, tham gia giải quyết tranh chấp tại tòa hoặc trọng tài; đối với luật sư doanh nghiệp thường các công việc là tư vấn bằng lời nói hoặc bằng email, giữ chức năng thư ký công ty, soạn thảo các tài liệu nội bộ và giao dịch với bên thứ ba, đôi khi phải thực hiện các công việc kiêm nghiệm khác như kiểm soát tuân thủ, ban kiểm soát, quản lý hành chính nhân sự…
Thứ ba là về con đường phát triển sự nghiệp, tùy theo định hướng nghề nghiệp của mỗi luật sư hãng luật, họ có thể trở thành trưởng văn phòng luật sư, thành viên của công ty luật hoặc tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động với hãng luật; trong khi đó luật sư doanh nghiệp có thể được bổ nhiệm lên vị trí giám đốc pháp lý, trưởng phòng nhân sự tùy thuộc vào quy mô và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp. Ngoài ra, hiện nay cũng có trường hợp luật sư doanh nghiệp phát triển theo chiều ngang để trở thành các vị trí quản lý như CEO, VCEO hoặc các vị trí quản lý khác của doanh nghiệp.
Câu hỏi 2: Để trở thành luật sư bạn cần phải có tố chất nào?
Ngoài một nền tảng kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm làm việc chuyên sâu trong một hoặc một số lĩnh vực nào đó, để trở thành luật sư giỏi bạn cũng phải có một số tố chức chung như khả năng hùng biện (đặc biệt cần thiết đối với luật sư tranh tụng); tư duy pháp lý nhạy bén, sắc sảo; tinh thần vững vàng trước khó khăn.
Câu hỏi 3: Thực tập sinh được làm những công việc gì tại hãng luật?
Mục tiêu của các hãng luật thông qua các chương trình thực tập sinh là tìm kiếm nhân tài- nguồn nhân lực cho tương lai pháp triển của hãng luật. Do vậy, các hãng luật thường không ngại gần để cho thực tập sinh được bộc lộ tố chất và kỹ năng về nghề nghiệp. Để làm được việc này các hãng luật thường cử một luật sư hướng dẫn kèm cặp, hỗ trợ thực tập sinh về mọi mặt như là chỉ dẫn các kỹ năng làm việc cơ bản, giao việc và hướng dẫn xử lý công việc.
Nói về các công việc cụ thể, thực tập sinh có thể được giao các công việc sau: nghiên cứu văn bản pháp luật để giải đáp câu hỏi pháp lý của khách hàng; tham vấn ý kiến về một vấn đề pháp luật mà luật chưa rõ ràng tư cơ quan nhà nước; soạn thảo các ý kiến tư vấn ngắn; chuẩn bị hồ sơ các vụ tranh chấp; đại diện khách hàng trước cơ quan nhà nước đối với những vấn đề đơn giản; dịch thuật các tài liệu pháp lý và thực hiện các công việc hỗ trợ các trợ lý luật sư và luật sư. Nhìn chung thì các hãng luật chuyên nghiệp không bao giờ sử dụng thực tập sinh vào các công việc hành chính như dọn văn phòng, rửa chén bát hay photo tài liệu vì các công việc đó đã có nhân viên hành chính thực hiện.
Câu hỏi 4: Thực tập sinh có được trả lương không và thời gian thực tập sinh tại Phuoc & Partners là bao lâu?
Phần lớn các hãng luật không chi trả lương cho thực tập sinh trong thời gian thực tập tại hãng luật của mình nhưng đổi lại thực tập sinh có thể hưởng các lợi ích khác như ăn trưa, tiền điện thoại (nếu công việc phải sử dụng điện thoại cá nhân), các chương trình đào tạo… Phuoc & Partners cũng là một trong các hãng luật không thực hiện chính sách trả lương cho thực tập sinh.
Thời gian thực tập sinh tại Phuoc & Partners thường là 6 tháng. Hết thời gian thực tập bạn sẽ được đánh giá về năng lực làm việc trước khi Phuoc & Partners đề nghị bạn làm việc chính thức cho mình.