....

Pháp Nhân Đã Được Làm Đại Diện Theo Ủy Quyền

Bắt đầu từ ngày 01/01/2017 tới đây Bộ luật dân sự (“BLDS 2015”) sẽ có hiệu lực thi hành và thay thế cho Bộ luật dân sự 2005 (“BLDS 2005”). Theo đó, cơ chế đại diện ủy quyền đã được mở rộng đối tượng hơn. Nếu như trước đây chỉ duy nhất cá nhân được đại diện uỷ quyền, thì nay pháp nhân đã được làm đại diện theo uỷ quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác. Điều này đã giải quyết được nhiều vấn đề mà thực tiễn thi hành BLDS 2005 đã gặp phải.

Chấm dứt thế “độc quyền” của cá nhân

 Điều 139 BLDS 2005 quy định rằng “đại diện là việc một người (người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện” và “Người đại diện phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”. Quy định  dường như được giải thích rằng chỉ cho phép cá nhân là người đại diện cho cá nhân hay pháp nhân khác bởi vì chỉ có cá nhân mới có năng lực hành vi dân sự. Đây là một sự khiếm khuyết, bởi xét về khoa học pháp lý, khi nói về năng lực tức là nói về khả năng thực hiện những hành vi pháp lý. Một pháp nhân được thành lập hợp pháp tức pháp nhân đó đương nhiên phải có khả năng thực hiện các hành vi pháp lý. Lẽ tất nhiên có những quyền mà pháp nhân không thể sử dụng được do bản chất của nó như kết hôn, thừa nhận con, lập con nuôi… Song cũng như cá nhân, pháp nhân cũng có những quyền lợi tinh thần và quyền lợi vật chất. Vì thế luật pháp cấm đoán các hành vi xúc phạm đến danh dự, uy tín (quyền tinh thần) của tổ chức (pháp nhân), cá nhân.

co-che-dai-dienViệc “độc quyền” trong quan hệ đại diện đôi khi làm cho cả pháp nhân và cá nhân dơi vào “tình thế tiến thoái lưỡng nan” khi mà pháp nhân được ủy quyền thì đã chấm dứt tồn tại và cá nhân nhận ủy quyền thì chết. Cũng có nhiều trường hợp cá nhân nhận ủy quyền lợi dụng điều này để đưa ra quá nhiều yêu sách thù lao đối với pháp nhân.

Trong thực tiễn, nhiều trường hợp pháp nhân muốn được ủy quyền cho một pháp nhân khác để đại diện thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Bởi vì việc ủy quyền cho một pháp nhân thường mang lại sự yên tâm và tin tưởng cao hơn cá nhân. Với cá nhân các rủi ro về “sinh lão bệnh tử” hoặc các vấn đề về sức khỏe tinh thần có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện công việc được ủy quyền. Trong khi đó pháp nhân với ưu điểm vượt trội hơn cá nhân ở tính có cơ cấu tổ chức và năng lực về tài chính sẽ giúp việc thực hiện công việc được ủy quyền tốt hơn và loại bỏ được rủi ro về mặt sinh học.

Chính vì vậyviệc BLDS 2015 quy định: đã chấm dứt thế “độc quyền” của cá nhân trong quan hệ đại diện bằng quy định mới sau đây “đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Điều này phù hợp với khoa học pháp lý, đồng thời chấm dứt tình trạng mập mờ về người được ủy quyền mà BLDS 2005 đã tồn tại lâu nay.

Có thể thương mại hóa quan hệ đại diện

Ngoài ra, việc thừa nhận quan hệ đại diện giữa các pháp nhân sẽ giúp cho các pháp nhân thương mại giải quyết được nhiều mối quan hệ phi thương mại. Nếu như trước đây các pháp nhân thương mại chỉ có thể đại diện cho nhau để thực hiện các hoạt động thương mại theo cơ chế đại diện cho thương nhân chiếu theo Luật thương mại 2co-che-dai-dien-2005,  việc đại diện này chỉ thuần túy là đại diện trong các quan hệ thương mại mà không đề cập đến các vấn đề phi thương mại như trong quan hệ lao động, quan hệ truyền thông, quan hệ với các cơ quan tố tụng… Nay BLDS 2015 cho phép các pháp nhân thương mại được quyền đại diện theo ủy quyền cho các pháp nhân khác trong các công việc phi thương mại. Khi đó các công ty tập đoàn, công ty mẹ được phép ủy quyền cho  công ty con thực hiện các công việc mà công ty mẹ mong muốn. Việc thực hiện ủy quyền này các bên có thể thỏa thuận để lập thành hợp đồng ủy quyền có trả thù lao hoặc không có thù lao. Trong trường hợp có trả thù lao thì về phía công ty làm người đại diện có phải thông báo ngành nghề kinh doanh để thực hiện công việc được ủy quyền không và ngành nghề đó là gì để cơ quan quản lý chấp thuận.

Luật mới vẫn bỏ ngõ hình thức của hợp đồng ủy quyền

Việc thiết lập quan hệ đại diện được các bên thỏa thuận phải  được lập thành hợp đồng ủy quyền. Về hình thức hợp đồng uỷ quyền, lâu nay còn nhiều ý kiến tranh cãi, thế nhưng BLDS 2015 cũng không đưa ra  một quy định nào về hình thức của hợp đồng ủy quyền phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực. Luật mới chỉ quy định hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.

co-che-dai-dien-3Trong bối cảnh quan hệ đại diện giữa các pháp nhân được công nhận và hệ quả tất yếu là số lượng giao dịch liên quan đến đại diện theo ủy quyền sẽ tăng lên đáng kể. Thiết nghĩ việc đòi hỏi các giao dịch này cần phải công chứng, chứng thức như một vấn đề thực tế hiện nay cần phải được giải thích rõ loại ủy quyền nào cần công chứng, chứng thực và loại nào thì không để tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng khác nhau.

Hy vọng rằng với cơ chế đại diện uỷ quyền  mà BLDS 2015 trao cho pháp nhân, các hoạt động kinh doanh thương mại được diễn ra một cách thuận lợi hơn và pháp nhân sẽ có được đầy đủ tư cách để tham gia vào các hoạt động thương mại và dân sự vốn dĩ thuộc quyền hạn của mình.

Luật sư Lê Trọng Thêm

Lê Trọng Thêm là một luật sư có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại và doanh nghiệp ở cả môi trường hành nghề luật sư tại công ty luật và doanh nghiệp liên doanh. Ngoài chuyên môn về luật, Luật sư Lê Trọng Thêm còn có kinh nghiệm trong việc kiểm soát nội bộ và quản trị doanh nghiệp.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button