....

Chưa Có Căn Cứ Pháp Lý Rõ Ràng

Việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết tiếp tục triển khai thu tác quyền sử dụng âm nhạc qua tivi tại khách sạn đang gây ra những phản ứng trái chiều. Để hiểu rõ thêm về tính pháp lý xung quanh câu chuyện thu phí tác quyền, Báo Đại biểu Nhân dân đã phỏng vấn Luật sư Lê Trọng Thêm, Công ty Luật LTT & Lawyers – luật sư chuyên tư vấn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

– Theo dự kiến, từ ngày 1.10 tới, các khách sạn từ 1 tới 3 sao sẽ phải trả phí tác quyền cho VCPMC. Ông có thể cho biết, đâu là căn cứ để VCPMC đưa ra quy định này?

– Theo thông tin báo chí tôi được biết, VCPMC viện dẫn quy định tại Điều 20.1 Luật Sở hữu trí tuệ để yêu cầu các khách sạn trả phí tác quyền cho VCPMC. Theo quy định tại Điều 20.1 về quyền tài sản của tác giả gồm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng và quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc viện dẫn quy định này để làm căn cứ pháp lý cho việc thu phí tác quyền đối với các tivi trong khách sạn là không phù hợp pháp luật. Bởi, vốn dĩ các tivi trong khách sạn chỉ thực hiện chức năng phát các chương trình phát sóng một cách thụ động trên cơ sở sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền. Cách thức hoạt động của tivi hoàn toàn không thuộc trường hợp biểu diễn tác phẩm trước công chúng hay truyền đạt tác phẩm đến công chúng. Đơn thuần các tivi chỉ phát các chương trình phát sóng có hoặc không có các tác phẩm âm nhạc.

– Theo ông, mức giá 25.000 đồng/tivi có phù hợp với tình hình thực tế hay không và vì sao?

– Mặc dù theo báo cáo của VCPMC, mức phí 25.000 đồng được tham khảo từ mức thu ở nhiều nước trên thế giới do Liên minh quốc tế các Hiệp hội Tác giả và Nhạc sĩ (CISAC) cung cấp. Ngoài ra, VCPMC cũng căn cứ điều kiện thực tế tại Việt Nam, đồng thời tham khảo ý kiến các nhạc sĩ, tác giả, Bộ Tài chính và các cơ sở kinh doanh và mức thu gần như không thay đổi trong 10 năm qua.

Thế nhưng, trong bối cảnh chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng và cụ thể, VCPMC đơn phương áp đặt yêu cầu phải trả phí tác quyền đối với tivi trong khách sạn như vậy là chưa phù hợp và dễ gây ra tranh cãi kéo dài. Ở vị trí của một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, VCPMC nếu muốn thực hiện việc thu phí tác quyền, trước tiên cần chỉ ra căn cứ pháp lý vững chắc, đồng thời việc thu phí phải trên cơ sở thỏa thuận về giá giữa các chủ thể bình đẳng về pháp luật trong quan hệ dân sự này.

– Mặc dù chỉ còn vài ngày nữa là tới thời điểm thu phí nhưng đến nay, vẫn chưa có được sự đồng tình của bên chịu phí. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này?

– Quan hệ giữa chủ khách sạn và VCPMC là quan hệ dân sự đơn thuần. VCPMC với tư cách là một bên của giao dịch dân sự đã không chứng minh được quyền yêu cầu của mình cho việc thu tiền tác quyền trên các cơ sở pháp luật rõ ràng. Sự không vững chắc về cơ sở pháp lý này cùng với quan điểm áp đặt một mức thu tác quyền không dựa trên thỏa thuận đã khiến bên còn lại là chủ các khách sạn không đồng ý là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, cũng phải đề cập đến năng lực tự tổ chức và triển khai các biện pháp bảo vệ quyền lợi của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan. Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan cần phải hoàn thiện các thiết chế để tự bảo vệ mình cũng như xây dựng cơ chế hợp tác hỗ trợ đối với bên sử dụng các sản phẩm âm nhạc của mình thay vì quan niệm truy thu, áp đặt, gượng ép như hiện nay.

– Như ông nói, có sự không vững chắc về cơ sở pháp lý để thu phí tác quyền sử dụng âm nhạc. Ông có thể chỉ rõ hơn những điểm hạn chế trong quy định pháp luật hiện hành?

– Theo Điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ, các đối tượng quyền liên quan được bảo hộ bao gồm bản ghi âm, ghi hình và chương trình phát sóng. Chủ sở hữu bản ghi âm, ghi hình là nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Trong khi đó, chủ sở hữu chương trình phát sóng là tổ chức phát sóng. Khi xác định chủ thể có quyền nhận phí tác quyền Điều 33 của Luật Sở hữu Trí tuệ lại quy định: “Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại thì phải trả tiền thù lao, nhuận bút theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng”.

Điểm mấu chốt của các tranh chấp về thu phí tác quyền hiện nay nằm ở hai điểm sau: Thứ nhất, Luật Sở hữu Trí tuệ hiện nay chưa có quy định rõ ràng khi bản ghi âm, ghi hình được sử dụng để phát sóng thì có còn là bản ghi âm ghi hình nữa hay không. Thứ hai, Luật quy định việc trả phí tác quyền mang tính chất liệt kê như Điều 33 dẫn đến cách hiểu là cùng một sản phẩm trí tuệ người sử dụng phải trả phí cho tất cả các đối tượng có thể là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Khi sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ cần lưu ý các quy định này để quá trình thực thi pháp luật được rõ ràng, tránh xảy ra xung đột.

– Xin cảm ơn ông!

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button