....

Xây Dựng Năng Lực Cho Luật Sư Trẻ

Xây dựng năng lực cho luật sư trẻ luôn là đề tài được các công ty luật quan tâm. Công ty nào cũng mong muốn có một đội ngũ luật sư có năng lực và trẻ để cống hiến cho sự phát triển của công ty. Về mặt cá nhân, rất nhiều câu hỏi các luật sư trẻ thường đặt như là: Làm thế nào để thành công với nghề luật sư? Để trở thành luật sư cần có tố chất gì? Người không có khả năng “ăn nói” hoặc “kém sắc” có thể thành công?

Tôi cũng đã mất rất nhiều năm để trả lời các câu hỏi trên cho bản thân, đồng nghiệp và cộng sự do tôi hướng dẫn. Cũng có nhiều cách để trả lời nhưng chưa lần nào làm hài lòng người hỏi. Cho đến vài năm gần đây, khi tôi được gặp gỡ, chia sẻ và rèn luyện với những anh chị luật sư thành công, các chuyên gia phát triển năng lực con người, câu trả lời dần dần lộ diện.

Thuật ngữ được đa phần mọi người nhắc đến là năng lực. Trong thời đại Cách mạng CN 4.0 hiện nay, dù làm lĩnh vực gì, để thành công bạn phải là người có năng lực. Một người được xem là có năng lực khi có đủ 3 yếu tố: kiến thức, kỹ năng và đam mê. Đối với nghề luật sư cũng vậy. Một luật sư để thành công cũng cần phải hoàn thiện các yếu tố này, dù làm về tư vấn hay tranh tụng. Có chăng, luật sư tư vấn thì cần các kỹ năng khác với kỹ năng mà luật sư tranh tụng cần.

Đọc đến đây, nhiều bạn sẽ đặt câu hỏi: làm thế nào để hoàn thiện 3 yếu tố đầu vào của năng lực? Có cách nào để rút ngắn thời gian hoàn thiện năng lực của luật sư? Phần dưới đây là câu trả lời để bạn tham khảo.

1. Hoàn thiện yếu tố kiến thức (knowledge)

Theo hệ thống đào tạo pháp lý tại Việt Nam, một luật sư phải trải qua khoảng 4 năm để tốt nghiệp bậc cử nhân luật. Tuy nhiên, 4 năm ở giảng đường đại học là chưa đủ kiến thức cho một luật sư. Tính chất của nghề luật sư đòi hỏi cần có một lượng kiến thức kinh tế, chính trị, xã hội rộng lớn. Thông thường khối lượng kiến thức này được dung nạp trong các công việc, vụ việc cụ thể. Ví dụ, khi luật sư tư vấn pháp lý cho khách hàng về một chiến dịch truyền thông và tiếp thị, luật sư cần phải có hiểu biết tổng quát về các loại hình marketing này để có thể hiểu rằng khách hàng cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bình thường, rất ít người có đủ kiên nhẫn và kiên trì để tự tìm hiểu về một kiến thức nào đó cho đến khi gặp “tình huống có vấn đề”. Điều này xảy ra mỗi khi luật sư nhận giải quyết một công việc cụ thể từ khách hàng như cung cấp ý kiến tư vấn pháp lý, soạn thảo các tài liệu pháp lý, hoặc khi cần trình bày, tranh luận để bảo vệ khách hàng,…vv.

Riêng về kiến thức pháp lý, có nhiều nhiều tiêu chí để phân loại. Nếu bạn làm luật sư chuyên về tư vấn, kiến thức có thể tạm chia thành (i) dân sự, (ii) kinh doanh thương mại. Nếu bạn là luật sư tranh tụng, kiến thức có thể tạm chia thành (i) dân sự, (ii) hình sự, và (iii) hành chính…vv.

2. Hoàn thiện yếu tố kỹ năng (skills)

Tùy theo tính chất chuyên ngành và đặc trưng chuyên môn mỗi nghề, đòi hỏi người làm phải có những kỹ năng riêng. Nhưng tựu chung lại thì thường chia thành kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. Đối với nghề luật sư cũng vậy, kỹ năng chuyên môn còn gọi là kỹ năng về mặt kỹ thuật (technical skills) và kỹ năng mềm (soft skills).

Về kỹ năng chuyên môn, thường luật sư được biết đến hai hình thức là nói và viết. Các kỹ năng về nói cụ thể như kỹ năng đặt câu hỏi; kỹ năng tranh luận; kỹ năng hùng biện; kỹ năng thương lượng, đàm phán. Đối với các kỹ năng về viết được đề cập, có thể kể đến việc soạn thảo các tài liệu pháp lý (thư từ pháp lý, thư tư vấn, quan điểm luật sư, hợp đồng, thỏa thuận, bản luận cứ,….). Ở một cách nhìn nhận khác về kỹ thuật, trong nghề luật sư cũng cần thêm rất nhiều kỹ năng qua trọng khác như tư duy pháp lý, tư duy phân tích, tư duy tổng hợp, tư duy phản biện….

Về kỹ năng mềm, như một nghề có xu hướng tương tác với nhiều người, thực hiện nhiều công việc trên máy tính, nghề luật sư đòi hỏi các kỹ năng mềm cần có như: kỹ năng giao tiếp; kỹ năng trình bày; kỹ năng giao việc, kỹ năng nhận việc; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng lãnh đạo; kỹ năng kiểm soát cảm xúc; kỹ năng sử dụng ngoại ngữ; kỹ năng tin học….

Thực sự mà nói, để thành công đối với nghề luật sư, các yếu tố kỹ năng chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, có thể nói là yếu tố quyết định “sống còn” nhất. Việc hình thành và hoàn thiện yếu tố kỹ năng đòi hỏi các luật sư cần có một quá trình làm việc, rèn luyện, đúc kết và hoàn thiện qua rất nhiều vụ việc, mài dũa qua nhiều năm làm việc.

3. Hoàn thiện yếu tố đam mê (passion)

Trong 3 yếu tố, đam mê là yếu tố khó khăn nhất và khó để hoàn thiện nhất. Bởi lẽ, có rất ít luật sư đang hành nghề, mà đến với nghề luật sư xuất phát bởi sự đam mê cháy bỏng ngay từ những ngày đầu tiên. Sẽ có nhiều người phản đối nhận định này, cho đến khi chúng ta phân biệt được một cách rõ ràng giữa sở thích và đam mê.

Mặc dù sở thích và đam mê đều có điểm chung là niềm vui thích khi làm một công việc nào đó. Tuy nhiên, sở thích thì có thể thay đổi do tác động của thời gian và ngoại cảnh. Trong khi đó đam mê là cảm nhận thực sự yêu thích công việc và theo đuổi công việc sở thích tới cùng cho dù phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ trong cuộc sống.

Thực tiễn có nhiều luật sư hành nghề một thời gian rồi bỏ nghề khi các điều kiện sống không bắt buộc họ phải làm nghề. Một số luật sư cảm nhận được sự vất vả của công việc này và quyết định chuyển sang làm công việc khác.

Con đường để hình thành, phát triển đến trạng thái tâm lý đam mê đòi hỏi mỗi luật sư cần phải vững tâm, bền trí nhắc nhở bản thân về sứ mệnh của bản thân. Yếu tố đam mê chỉ được duy trì và phát triển khi mỗi luật sư lấy nghề như là nghiệp của bản thân.

Luật sư Lê Trọng Thêm

Lê Trọng Thêm là một luật sư có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại và doanh nghiệp ở cả môi trường hành nghề luật sư tại công ty luật và doanh nghiệp liên doanh. Ngoài chuyên môn về luật, Luật sư Lê Trọng Thêm còn có kinh nghiệm trong việc kiểm soát nội bộ và quản trị doanh nghiệp.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button